Ông Phạm Viết Muôn. Ảnh: N.M. |
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/7, vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gây nóng hội trường. Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp Trung ương cho rằng dẫn đến tình trạng phải tái cơ cấu như ngày hôm nay, ngoài tình hình kinh tế khó khăn chung còn có nguyên nhân chủ quan bên trong Vinashin. Trong đó phải kể đến quá trình đầu tư dàn trải trong các dòng tiền ưu tiên. "Vinashin phải đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, phải sử dụng tốt các vốn vay. Tập thể HĐQT Vinashin phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm rõ ràng để xử lý. Nếu Vinashin chỉ nhận lỗi suông thì không được", ông Muôn khẳng định.
Khi tái cơ cấu Vianshin, một số dự án sẽ chuyển về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo ông Muôn, khi chuyển về các đơn vị tiếp nhận, nhiều dự án sẽ mang lại hiệu kinh tế cao hơn. Tiêu biểu như Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang làm kết cấu kim loại, giàn khoan. Hay dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang) chuyển về PVN. Còn Vinalines sẽ tiếp nhận 1,2 triệu tấn tàu từ Vinashin. "PVN và Vinalines là các doanh nghiệp Nhà nước, phải có trách nhiệm cùng gánh vác để giải quyết khó khăn chung", ông Muôn nói.
Hiện tổng tài sản của Vinashin là 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng, tổng dư nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. "Sau tái cơ cấu các khoản nợ liên quan vẫn phải chuyển về các đơn vị tiếp nhận. Số nợ chuyển sang PVN và Vinalines khoảng 20.000 tỷ đồng", ông Muôn nói.
Vấn đề dư luận quan tâm sau quyết định tái cơ cấu Vinashin là khả năng trả nợ nước ngoài. Vinashin được Chính phủ bảo lãnh vay vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu với số tiền tương đương 750 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho hay, số tiền vay 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, đến năm 2012, Vinashin mới trả nợ xong. Vinashin vẫn đang trả nợ bình thường.
Ông Muôn khẳng định, sau khủng hoảng năm 2008, Việt Nam là một trong số ít các nước có nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững. Từ năm 2005 đến 2007, Vinashin vẫn hoạt động tốt và thu hút được 166 hợp đồng có giá trị 5-6 tỷ USD. Đến năm 2008, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước cắt giảm hợp đồng, Vianshin rơi vào tình cảnh khó khăn.
Chính phủ khẳng định, việc tái cơ cấu không phải để giảm nợ cho Vinashin mà chủ yếu để thực hiện 4 mục tiêu. Duy trì, phát triển công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển. Sử dụng có hiệu quả năng lực cơ sở vật chất để phát triển công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các tổ chức tính dụng. Và đặc biệt đảm bảo việc làm cho người lao động.
Theo ông Muôn, qua vụ việc Vinashin, Chính phủ rút ra kinh nghiệm, cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bởi thực tế có trường hợp khi mua tàu về đến cảng, các bộ ban ngành mới biết. Các bộ ngành vẫn chưa giám sát chặt chẽ. "Vấn đề đặt ra là, Chính phủ trao quyền, phân cấp cho các bộ ban ngành song vẫn phải giám sát chặt chẽ hơn. Mặc dù tin tưởng vào doanh nghiệp song vẫn phải đẩy mạnh kiểm tra", ông Muôn nhấn mạnh.
Ông Muôn khẳng định, việc tái cơ cấu Vinashin sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thanh tra dự án. Trước đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tập trung xem xét hiệu quả của việc mua sắm thiết bị ở Vinashin, xem xét tình hình tài chính của tập đoàn này, kể cả các khoản vay nợ. Nhiều người lo ngại, quá trình tái cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến việc thanh tra tập đoàn đầu ngành về tàu thủy này. Tuy nhiên, ông Muôn khẳng định, việc thanh tra là theo kế hoạch từ trước. "Ở đâu sai phạm sai phạm ở đó có xử lý. Thanh tra chỉ ra tồn tại và cách khắc phục để Vinashin tốt hơn", ông Muôn nói.
Chính phủ khẳng định, sau Vinashin sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhà nước buộc phải tái cơ cấu, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo, thị trường điện lực cần phát triển cạnh tranh. Tuy nhiên, tái cơ cấu của EVN sẽ không giống như Vinashin mà chủ yếu theo kiểu tổ chức lại. Theo đó, có thể hình thành các tổng công ty điện lực ở các miền Bắc, Trung, Nam.
Hoàng Lan