Theo nghị quyết ngày 22/6 của Đảng ủy và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tập đoàn sẽ phải tái cơ cấu, chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Một cán bộ cấp cao của Vinashin cũng khẳng định với VnExpress.net, tái cơ cấu Vinashin thực chất là để tập đoàn này có thể tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mũi nhọn như đóng, sửa chữa tàu thủy, phát triển vật tư thiết bị nhà máy thép và khu công nghiệp quanh các nhà máy đóng tàu. Vinashin sẽ chuyển giao lại cho Tổng công ty Hàng hải một số công ty con thuộc lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và một số khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Chuyển giao cho PVN một số lĩnh vực liên quan đến dầu khí.
Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ giao thông Vận tải cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.
Nghị quyết được ký hôm 22/6, 3 ngày trước thời điểm Thủ tướng có quyết định chuyển công ty mẹ Vinashin thành Công ty TNHH một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy số nợ của Vinashin lên tới gần 19.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt 10,9 lần. Số nợ quá hạn của Vinashin xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bộ giao thông Vận tải cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Ảnh: Vinashinship. |
Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) xác nhận thông tin tiếp quản một số lĩnh vực của Vinashin. Theo bà Hòa, PVN cũng thu được nhiều lợi qua việc chuyển giao dự án. Bởi thực tế, có nhiều dự án PVN từng đề xuất nhưng không được. Tuy nhiên, khi đưa sang PVN, tập đoàn phải xem xét lại các dự án trước khi triển khai tiếp hay không.
Bà Hòa khẳng định việc tiếp nhận các dự án từ Vinashin không ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí. "Việc tiếp nhận một số dự án đóng tàu với PVN là thuận lợi chứ không phải khó khăn. Chúng tôi cũng bắt đầu đóng tàu nhưng mà đóng tàu dịch vụ và đóng giàn khoan. PVN cũng muốn mở rộng dịch vụ đóng tàu phục vụ ngành dầu khí", bà Hòa nói.
Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho biết, các dự án của Vinashin chuyển về Tập đoàn Dầu khí gồm: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban Quản lý dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang); Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ( Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư. Nguồn tin từ báo Tiền Phong cho hay, 7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 và kết thúc quý 3 năm 2010. |
Nhóm phóng viên