Tuy hạ xếp hạng tín nhiệm đối với các khoản vay dài hạn bằng tiền đồng nhưng S&P vẫn giữ xếp hạng đối với tín dụng ngoại tệ và nợ ngắn hạn (nội và ngoại tệ) của Việt Nam ở mức BB- và B. Triển vọng đối với tất cả các mức xếp hạng đều được đánh giá là tiêu cực. Theo S&P, điều này phản ánh sự quan ngại về những bất ổn của nền kinh tế và thị trường tài chính trong ngắn hạn.
S&P hạ xếp hạng tín dụng dài hạn nhưng vẫn giữ nguyên đánh giá đối với các khoản vay ngắn hạn của Việt Nam. Nguồn: S&P |
Cùng với việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, S&P cũng giảm mức đánh giá dài hạn đối với toàn khu vực ASEAN từ mức axBB+ xuống axBB. Đánh giá đối với các khoảng vay ngắn hạn duy trì ở mức axB.
Theo giải thích của S&P, việc Việt Nam tụt hạng tín nhiệm chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật khi hãng này thay đổi cơ sở tính toán đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo hướng kéo gần khoảng cách giữa xếp hạng nợ nội và ngoại tệ.
Theo S&P, điểm sáng đối với kinh tế Việt Nam nằm ở khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn duy trì ở mức trên 8% GDP trong suốt 4 năm qua. Hãng này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5% trong năm nay. |
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu tái cấu trúc nợ ngày một cao như hiện nay, S&P cho rằng các Chính phủ ít có xu hướng tách bạch các khoản nợ bằng nội và ngoại tệ. Do vậy, chúng tôi đã thay đổi một số chỉ tiêu để đánh giá đối với 2 loại hình vay này xích lại gần nhau hơn”, chuyên gia phân tích nợ quốc gia của S&P - Kim Eng Tan giải thích.
Về điểm số BB- của Việt Nam, chuyên gia của S&P cho rằng nó phù hợp với một nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường tài chính đang phát triển nhờ nỗ lực tái cấu trúc của Chính phủ… nhưng vẫn có mức thu nhập thấp, ẩn chứa nhiều bất ổn và bị lệ thuộc nhiều vào các mệnh lệnh hành chính.
Tương tự một hãng tín nhiệm khác là Fitch, quan ngại lớn nhất của S&P được đặt vào hệ thống ngân hàng. Hãng này cho rằng tỷ lệ cấp tín dụng cao (ước khoảng 118% GDP vào cuối năm 2011) đang làm các nhà băng yếu đi và có thể trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ra bất ổn kinh tế hoặc tài chính. Đây cũng là lý do khiến lãi suất cho vay khó hạ xuống dưới 15% một năm và có thể dẫn tới nguy cơ tụt hạng tín nhiệm sâu hơn đối với Việt Nam trong tương lai.
Là một trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới nhưng trong thời gian gần đây, S&P tỏ ra khắt khe đối với các đánh giá về quốc gia hơn hẳn so với Fitch và Moody’s. Ví dụ điển hình là việc hãng này lần đầu tiên trong lịch sử hạ bậc tín nhiệm đối với Mỹ xuống AA+ trong khi 2 hãng còn lại giữ nguyên xếp hạng AAA. Đáng chú ý, cú hạ bậc này có đóng góp không nhỏ từ việc S&P tính sai 2.000 tỷ USD nợ công của Mỹ.
Nhật Minh