S&P's cho rằng chính sách giảm thâm hụt ngân quỹ do Quốc hội Mỹ thông qua hôm thứ 3 không đủ sức thay đổi tình hình. "Chính sách "cận kề cuộc chiến" trong mấy tháng gần đây nhắc chúng ta rằng các nhà lập pháp và thành viên Chính phủ đang trở nên kém ổn định và kém hiệu quả hơn những gì mà chúng ta đã tin tưởng trước đây", đại diện S&P's nói.
Standard & Poor's trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm đầu tiên hạ điểm "ông lớn" Mỹ. Ảnh: guardian.co.uk |
Washington mất nhiều tháng trời loanh quanh với những tranh cãi trong vấn đề nâng mức giới hạn nợ công. Tối hôm thứ 6 đã xuất hiện tin đồn rằng Mỹ bị hạ mức tín nhiệm, tuy nhiên các quan chức Washington nói với giới truyền thông Mỹ rằng bảng tổng kết của S&P's hoàn toàn không thỏa đáng.
Các nguồn thông tin ẩn danh đã trích dẫn các chuyên gia tài chính và chỉ ra được lỗi phân tích lên tới 2.000 tỷ USD của các nhân viên thuộc S&P's. Phát ngôn viên của Bộ Tài nguyên Mỹ nói: "Bản thân 2.000 tỷ USD này đã đủ để nói nên lời". Ông cũng không đưa bất kì lời giải thích nào thêm.
John Chambers, Chủ tịch hội đồng xét hạng của S&P's, nói với CNN rằng nước Mỹ đã có thể ngăn chặn lần tụt điểm này nếu họ sớm giải quyết vấn đề với Quốc hội. "Điều đầu tiên đáng lẽ ra phải làm là nâng mức nợ trần lên kịp thời, rồi sau đó mới tránh được việc phải đứng ra phản biện và tranh cãi", ông nói.
Tuy nhiên, quyết định của S&P's chẳng tác động nhiều tới tinh thần các thành viên hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, những người luôn dùng điều này để khẳng định chỗ đứng của họ.
Phát ngôn viên của Hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa John Boehner nói việc tụt điểm này là kết quả do kiểu "vung tay quá trán" của chính quyền liên bang gây ra. Ông cũng cho rằng điều này sẽ đe dọa tới thị trường tín dụng. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Harry Reid lại nói động thái trên mở ra cơ hội cho kế hoạch của phe Dân chủ nhằm đạt được cân bằng ngân sách để giảm thiểu thâm hụt.
Thông báo của S&P's đưa ra sau một tuần thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới bấn loạn. Báo chí nhận định việc hạ điểm có thể "gặm mòn" sự tự tin của các nhà đầu tư toàn cầu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đang vật vã chống lại khoản nợ khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp tới 9,1% và những lo ngại về một cuộc suy thoái kép.
S&P's cảnh cáo hạ điểm nếu Mỹ không đồng ý cắt giảm khoản nợ liên bang ít nhất 4.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Thực tế là chính sách do Quốc hội thông qua hôm thứ 3 chỉ tiết kiệm được 2.100 tỷ USD trong thời gian trên. Hãng này cũng lưu ý các đại biểu trong Ủy ban liên đảng vừa được thành lập phải báo cáo lại cho Quốc hội vào tháng 11 kế hoạch hoạt động.
Đạo luật cho phép tăng mức nợ trần lên 16.700 tỷ USD được thông qua hôm thứ 3, chỉ vài tiếng trước khi nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Trong bản báo cáo đưa ra cuối hôm thứ 6, S&P's nói: "Việc hạ điểm phản ánh quan điểm của chúng tôi về kế hoạch tài chính ổn định mà Quốc hội Mỹ và các nhà chức trách thống nhất gần đây. Chúng tôi cho rằng điều này là cần thiết để giữ vững chuyện nợ nần của Chính phủ trong trung hạn. Sâu xa hơn thì điều này phản ánh cách nhìn của S&P's trong vấn đề hiệu quả, ổn định và tương lai của chính sách Mỹ trong thời điểm các thách thức tài chính và kính tế không ngừng gia tăng".
S&P's cũng tuyên bố trong vòng hai năm tới nếu Mỹ không thực hiện được các biện pháp giảm thâm hụt thì hãng sẽ hạ tiếp điểm xuống còn AA.
Hai hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín còn lại là Moody's và Fitch tối hôm thứ 6 cho biết họ không có kế hoạch theo chân S&P's để lôi Mỹ ra khỏi danh sách các đơn vị vay nợ uy tín ngay lập tức.
Anh Quân (theo BBC)