Chiều 12/10, Hội thảo về sản phẩm ETF do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM tổ chức thu hút hàng chục công ty chứng khoán và quỹ đầu tư tham gia đóng góp ý kiến. Khi được giới thiệu cơ chế vận hành của sản phẩm mới này, dù còn băn khoăn về khung pháp lý nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội cải thiện thanh khoản khi quỹ ETF ra đời.
Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và đầu tư chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nguyễn Thành Long giải thích ưu điểm của sản phẩm mới này là minh bạch, dễ tiếp cận, giao dịch linh hoạt và chi phí thấp.
Quỹ hoán đổi danh mục ETF (Echange - Traded Fund) ở Việt Nam trước mắt chỉ bao gồm phần lớn các mã chứng khoán có trong rổ chỉ số trên thị trường. Đơn vị giao dịch được tính theo lô, dự kiến mỗi lô ETF = 10.000-1.000.000 đơn vị quỹ. Danh mục đầu tư của ETF được công bố hàng ngày. Giá trị tài sản ròng tham chiếu (iNAV) được cập nhật 15 giây một lần để nhà đầu tư làm căn cứ ra quyết định. ETF quản lý theo bộ chỉ số có sẵn nên chi phí phát hành, phân phối, giao dịch… đều thấp. Ngoài ra, sản phẩm ETF còn tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại vì không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Sản phẩm ETF đang được chuẩn bị khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật và được xem là công cụ xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho chứng khoán trong tương lai. Ảnh: B.H |
Có 5 loại tổ chức chính tham gia vận hành ETF. Đầu tiên là công ty quản lý quỹ, giữ vai trò thiết lập danh mục mô phỏng chỉ số, thay mặt quỹ phát hành và mua lại ETF khi khách hàng có nhu cầu. Kế đến là công ty chứng khoán, đóng vai trò là thành viên lập quỹ (gọi tắt là AP - Authorized Participant).
Các AP phải có danh mục cổ phiếu phù hợp với danh mục mô phỏng quỹ ETF mà công ty quản lý quỹ xây dựng, từ đây các bên sẽ hoán đổi danh mục cơ cấu để lấy các lô chứng chỉ ETF. Khi sở hữu các lô này, công ty chứng khoán sẽ tham gia giao dịch trên thị trường thứ cấp như một sản phẩm chứng khoán thông thường.
Ba tổ chức còn lại cùng vận hành ETF là ngân hàng giám sát, Trung tâm Lưu ký và Sở Giao dịch chứng khoán. Đây là các cơ quan thực hiện lưu ký, thanh toán, niêm yết, hoán đổi, phát hành, tiêu hủy, vay và cho vay...
Giao dịch ETF hoạt động trên cơ sở hàng đổi hàng, tức là thành viên lập quỹ sẽ dùng danh mục cơ cấu để mua chứng chỉ quỹ. Đặc biệt, trong quá trình giao dịch AP được phép vay danh mục cơ cấu để bán. Tuy nhiên, các giao dịch chỉ tính đơn vị là chứng chỉ quỹ ETF chứ không bán trực tiếp chứng khoán đã vay, vì thế không làm giảm giá cổ phiếu trên thị trường. "Quá trình này chỉ góp phần đưa giá của ETF về gần với giá chứng khoán", ông Long giải thích.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TP HCM, Trịnh Hoài Giang đánh giá: "Đây là sản phẩm sáng tạo, một hình thức đầu tư mới giúp tăng thanh khoản cho thị trường. Hấp dẫn hay không vẫn chưa biết nhưng nhà đầu tư, các công ty chứng khoán được lợi vì có thêm một kênh để lựa chọn".
Ông Giang phân tích, trong quá trình đầu tư, nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính luôn hiện hữu. Vì vậy, để bắt đầu tạo dựng thị trường cần các chỉ số đáng tin cậy và phổ biến. Thuế áp dụng trên các chứng chỉ ETF và cổ phiếu đơn lẻ như nhau. Nên cho phép nhà đầu tư mua bán hai chiều và được vay mượn chứng khoán. "Nhà đầu tư cá nhân cũng cần được đào tạo thêm về sản phẩm ETF", ông đề xuất.
Giám đốc khối phát triển khách hàng tổ chức Công ty chứng khoán Sài Gòn, Phạm Ngọc Bích nhận định: "SSI có nhiều khách hàng là công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư, trong đó có một số đơn vị đang xin giấy phép để lập quỹ mở. ETF ra đời sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quỹ này với nhau".
Theo ông Bích, một trong những hành lang pháp lý cần xem xét thận trọng khi triển khai ETF là cơ chế bán khống (cho vay chứng khoán để giao dịch). Cần quy định rõ các giới hạn: cho vay và bán khống trong bao lâu. "ETF sẽ có tác động như thế nào còn tùy thuộc vào nhu cầu từng thời điểm và diễn biến của thị trường", ông Bích nhận xét.
Giám đốc Nghiệp vụ đầu tư Quỹ đầu tư Dragon Capital, Lê Yến Quỳnh cho rằng kế hoạch và lộ trình chuẩn bị pháp lý triển khai ETF sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mô hình quỹ mở tại Việt Nam.
Theo bà Quỳnh, các AP được quyền vay để bán khống, người đứng ra cho vay phải là những quỹ đầu tư lớn song thị trường Việt Nam lại thiếu những thành viên này. Vì vậy, cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để các nhà đầu tư được tham gia vào việc cho vay chứng khoán. Ngoài ra, hành lang pháp lý ETF cũng nên mở rộng hình thức góp vốn, cho phép các nhà đầu tư được lựa chọn thêm kênh huy động vốn bằng tiền mặt thay vì chỉ gói gọn trong danh mục đã cơ cấu.
Đại diện Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam khẳng định, tuy ETF mở hẳn việc bán khống chứng khoán nhưng tất cả các hoạt động vay và cho vay chứng khoán trong quá trình giao dịch đều được kiểm soát chặt. Một trong những công cụ điều tiết và hạn chế hành vi này là đưa ra mức lãi suất rất cao.
Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Trần Đắc Sinh cho hay, việc lấy ý kiến cho sản phẩm mới ETF đang ở khâu chuẩn bị kiến thức và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ngay khi cơ quan quản lý bật đèn xanh cho thực hiện quỹ này thì thị trường sẽ có ngay một sản phẩm hữu dụng.
"Để hiểu và đón nhận ETF như một công cụ hữu hiệu là cả quá trình dài. Dự thảo về sản phẩm mới này cần được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Vì vậy tôi rất mong các thành viên của thị trường tích cực đóng góp ý kiến", ông nói.
Hà Thanh