Ông Nguyễn Thế Lữ. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) Nguyễn Thế Lữ chia sẻ quan điểm đầu tư của khối ngoại về thị trường Việt Nam.
- Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới những vấn đề gì khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam?
- Lạm phát, chính sách tiền tệ, lãi suất, tính ổn định của hệ thống ngân hàng là điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất. Hiện tại, họ có quá nhiều chọn lựa, nhất là khi thị trường tại Myanmar, Indonesia mở ra nhiều cơ hội tốt hơn các năm trước. Điều này đe dọa trực tiếp tới thu hút đầu tư của Việt Nam.
Quan điểm đầu tư của khối ngoại là phải nhìn thấy khả năng sinh lời chắc chắn. Ví dụ: họ dự kiến nếu lạm phát tại Việt Nam 10%, đồng nội tệ mất giá khoảng 10% mỗi năm, trên cơ sở đó kỳ vọng lợi nhuận của họ khoảng 30%. Trong khi đây là điều không hề dễ với hoạt động của doanh nghiệp, công ty quản lý quỹ. Khả năng sinh lợi không hấp dẫn nên rất khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài giải ngân.
- Khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu, khối ngoại sẽ đặt ra những tiêu chí gì để chọn mua?
- Ở góc độ thị trường chứng khoán, khối ngoại không phải đầu tư vào cổ phiếu, mà là đặt cược vào chính những người điều hành công ty. Do vậy, khả năng lãnh đạo, minh bạch thông tin là điều mà khối ngoại soi xét rất kỹ. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt đáp ứng tiêu chuẩn này. Ban bệ Hội đồng quản trị thường là anh em họ hàng, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu không công bố rõ ràng, ít có thành viên Hội đồng quản trị độc lập, thậm chí nội bộ mâu thuẫn, đấu đá nhau.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi tôi tại sao nợ xấu ở Việt Nam, mỗi cơ quan công bố số khác nhau, chênh lệch tới mấy phần trăm, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Do không có giải thích thỏa đáng nên nhiều nhà đầu tư ngoại rất dè dặt đổ vốn vào thị trường.
Tôi đang lo lắng vì sắp tới, cả 2 quỹ VPH (đầu tư bất động sản) và VEH (đầu tư chứng khoán) của SAM sẽ đại hội cổ đông. Song có thể có một số nhà đầu tư nước ngoài đòi rút vốn vì kinh tế trong nước còn nhiều bất ổn.
- Theo ông, cách đầu tư của khối ngoại khác gì so với nhà đầu tư trong nước?
- Nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi sự minh bạch gấp trăm lần hiện nay vì khoản tiền họ đầu tư không hề nhỏ so với quy mô của thị trường hiện tại. Để an toàn cho đồng vốn, khối ngoại tìm hiểu rất kỹ về sức khỏe doanh nghiệp, giao dịch cổ phiếu.
Tuy nhiên, trái ngược với khối ngoại, nhà đầu tư trong nước đầu tư theo kiểu "nhắm mắt làm liều", lướt sóng ngắn hạn vì quan điểm của người Việt thường là "đánh nhanh thắng nhanh". Nhà đầu tư nội sẽ chọn mức lãi 100 USD hôm nay, thay vì để dành đó chờ tới cuối năm bán ra hưởng lãi 1.000 USD. Tuy nhiên, kiểu đầu tư này dễ thất bại bởi bản thân nhà đầu tư không thể nắm được khối lượng thông tin đồ sộ của cả thị trường như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, am tường hoạt động doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thấy những diễn biến như đang diễn ra ở thị trường Việt Nam nên nhìn vấn đề dài hạn hơn, thậm chí không bị chi phối bởi các biến động trong ngắn hạn.
- Theo ông giải pháp nào thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm?
- Thị trường tới cuối năm chưa có gì sáng sủa, do không tìm thấy động lực tăng trưởng. Lĩnh vực hàng tiêu dùng thu hút sự quan tâm của khối ngoại nhất, nhưng hiện nhiều cổ phiếu đã hết room, trong khi việc nới room qua khỏi mức trần 49% cho khối ngoại chưa có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, câu chuyện nợ xấu, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống ngân hàng vẫn là những rào cản cho khối ngoại giải ngân thời điểm hiện nay.
2012, chứng khoán khó khăn, doanh nghiệp cũng chật vật không kém. Công ty có thể kêu gọi sự đồng lòng của cổ đông, nhà đầu tư. Điều này, thị trường Việt Nam làm kém hơn hẳn các nước khác.
Ví dụ: cổ đông có 10 cổ phiếu cũng nên có quyền hạn như người sở hữu 1 triệu cổ phiếu. Thời gian qua, có trường hợp lãnh đạo không coi cổ đông ra gì vì tự tin không cần cổ đông ủng hộ cũng đã sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần và chi phối mọi thứ, có hậu thuẫn phía sau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế dòng vốn từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Thế Lữ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại thị trường Mỹ. Trước khi gia nhập SAM, ông làm việc tại Silicon Valley, VinaCpital, KPMG. Hiện tại ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM, công ty quản lý 4 quỹ, trong đó, 2 quỹ: VPH (quỹ bất động sản) và VEH (quỹ chứng khoán) có quy mô 125 triệu USD. |
Bạch Hường