Đây là lần đầu tiên vấn đề sức khỏe của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội. Bản báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các đơn vị đã được Ủy ban Thường vụ trình lên Quốc hội từ cuối tuần trước, cung cấp bức tranh chung về sức khỏe của nhóm doanh nghiệp đặc biệt này.
Gần 20 ý kiến phát biểu trong phiên sáng nay, đa phần tỏ rõ lo ngại về hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đưa ra các số liệu dựa trên tính toán cá nhân, đại biểu Phạm Thị Loan, chủ tập đoàn tư nhân Việt Á cho rằng thực tế hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn không cao, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2007 chỉ là 3%, và 2008 còn âm 11% nếu tính tới cả yếu tố trượt giá. Trong khi đó, tỷ lệ nợ vay rất cao, có đơn vị lên đến 21 lần so với vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn có trường hợp lên đến 60% tổng dư nợ.
Theo số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tổng số 91 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước, một phần tư trường hợp lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% lợi nhuận dưới 10%. Vỏn vẹn 35 doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên 15%. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng ngay cả khi số liệu đúng như báo cáo, mức lợi nhuận 10-15% cũng không phải là cao, chỉ nhỉnh hơn một chút so với lãi suất vay ngân hàng. Đó là chưa kể trong số vốn kinh doanh của các đơn vị, phần tự có chỉ chiếm rất nhỏ, còn lại là đi vay mượn. Ông Xuân dẫn ra trường hợp Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nợ quá hạn hơn 3.800 tỷ đồng, chiếm hơn 91% số nợ quá hạn của 7 tập đoàn. Ông tỏ ra bi quan khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy tập đoàn này có khả năng trả nợ.
"Trong cơ chế thị trường, đồng vốn không tự dưng sinh ra cũng không tự dưng mất đi, nó chỉ chảy từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Nhưng đồng vốn của các tập đoàn chảy đi đâu, chưa ai làm rõ", ông Xuân nói. Ông đề nghị làm rõ cả trách nhiệm của những người làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
So với các loại hình doanh nghiệp khác, tập đoàn và tổng công ty nhà nước có nhiều lợi thế. Họ đang nắm giữ lượng vốn lên tới 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn của doanh nghiệp toàn xã hội. Gần 366.000 ha đất đang nằm trong tay nhóm doanh nghiệp này, trong đó không ít được xem là đất vàng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh, một số lĩnh vực còn được độc quyền. Niềm tin của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước cũng là lợi thế không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không tận dụng hết các lợi thế này, thậm chí còn sử dụng lãng phí, dẫn tới hiệu quả kinh doanh kém, làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Dẫn tới thực trạng ngày hôm nay, theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân, là do sự phát triển của tập đoàn và tổng công ty nhà nước thời gian qua đã vượt tầm quản lý của nhà nước, vượt quá cơ sở pháp luật và vượt khả năng điều hành của chính doanh nghiệp. "Người ta đã ví tập đoàn là những người khổng lồ trên đôi chân đất sét, hoặc cỗ máy khổng lồ người ta đẻ ra rồi mà không quản lý được", ông Xuân ví von. Mô hình của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn nhiều bất cập, trong khi đó văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của nhóm doanh nghiệp này còn thiếu. Nhiều đại biểu đề nghị sớm có một văn bản quy định rõ về việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn.
Cả phiên thảo luận buổi sáng, duy nhất hai ý kiến tỏ sự cảm thông với những khiếm khuyết của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đại biểu Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế, khẳng định quá trình đổi mới sắp xếp gần hai thập kỷ qua đã làm cho lực lượng doanh nghiệp nhà nước mạnh lên thực sự và vốn nhà nước ngày càng tăng chứ không mất đi. Không hài lòng với việc tập đoàn, tổng công ty nhà nước đi lệch hướng so với nhiệm vụ chính, sự lập lờ giữa nghĩa vụ công ích và hiệu quả kinh doanh, song ông lịch cho rằng chuyện lỗ lãi của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong cơ chế thị trường là đương nhiên, bất cứ thành phần nào cũng vậy không riêng gì khối nhà nước.
"Nếu xét về hiệu quả tài chính, trừ Singapore, thì hầu như không có nước nào trên thế giới khối doanh nghiệp quốc doanh có hiệu quả kinh doanh cao hơn các lĩnh vực khác. Bởi nhà nước cần một lực lượng vật chất giúp bổ khuyết cho các khuyết tật của thị trường. Quan trọng là chúng ta xem việc sử dụng vật chất của nhà nước đã giúp bổ khuyết các khuyết tật của thị trường như thế nào?", ông Lịch đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thậm chí còn cho rằng cần chấp nhận khiếm khuyết của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. "Chúng ta nói về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể không có và không thể không chấp nhận các khiếm khuyết. Vì họ thay mặt chúng ta định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ vẫn kinh doanh nhưng phải gánh nhiệm vụ xã hội, làm thị trường còn kiêm cả công ích. Làm sao đòi hỏi ở họ sự vận hành minh bạch theo thị trường hoàn toàn?", ông Đào nói.
Một số trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chuyện vừa phải làm công ích, vừa kinh doanh để bao biện cho hiệu quả hoạt động kém. Theo ông Đào, sở dĩ có chuyện này là thiếu hành lang pháp lý minh bạch buộc họ phải làm gì và được gì. Hiện Việt Nam đã có luật quản lý nợ công, nhưng chưa có luật quản lý tập đoàn cho dù một lượng vốn nhà nước không nhỏ đang được giao cho nhóm doanh nghiệp này. Sự giám sát đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng lỏng lẻo.
"Hàng chục năm rồi, đến giờ Quốc hội mới thực hiện giám sát, vì thế chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Và chúng ta cũng làm sao có trình độ chuyên môn mà am hiểu và giám sát họ. Tôi hiểu, Quốc hội nắm vấn đề này không chắc", ông Đào nói thêm.
Hiện các đại biểu Quốc hội mới tiếp cận báo cáo của Ủy ban Thường vụ. Tuy nhiên, theo ông Đào, Chính phủ và các tập đoàn cần có báo cáo trực tiếp để Quốc hội nắm chắc vấn đề hơn.
Trước đề nghị của đại biểu Đào, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết trong phiên làm việc buổi chiều, đại diện các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo trước Quốc hội.
Song Linh