Với mong muốn cải tổ, phát hiện và khắc phục một số "lỗ hổng" trong ngành điện, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án thiết kế tổng thể thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị trước mắt tách khâu sản xuất - truyền tải ra khỏi tập đoàn điện lực.
Theo mô hình này, tất cả các nhà máy điện có công suất trên 30MW phải tham gia chào giá ra thị trường, trừ các nhà máy điện BOT có hợp đồng bao tiêu nhiều năm. Các đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng mua bán điện theo mẫu được quy định. Trong đó, mỗi loại nhà máy điện (nhiệt điện, thủy điện, thủy điện đa mục tiêu, BOT) sẽ chào giá ra thị trường theo những quy tắc khác nhau. Các mức giá trần, sàn khác nhau, nhằm tránh hiện tượng tăng giá đột biến.
Bộ Công Thương cho rằng khi áp dụng mô hình này sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định không gây ra những đột biến tăng giá, giảm thiểu được rủi ro cho các nhà đầu tư, thu hút đầu tư phát triển nguồn điện mới; đồng thời hạn chế khả năng lũng đoạn thị trường bởi các ông lớn - chiếm thị phần khống chế.
Ngành điện liên tục kêu thiếu vốn đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang cân nhắc các phương án giá bán điện mới trong năm 2009 trên cơ sở chi phí đầu vào, khâu phân phối điện, nhu cầu sử dụng, chỉ số CPI và khả năng chấp nhận được của các hộ gia đình. Theo lộ trình điều chỉnh giá điện đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 và đợt tăng giá trong năm 2009 là bước đệm để tiến tới thị trường điện cạnh tranh. Giống các mặt hàng khác, khi giá cả đã trả về cho thị trường điều tiết thì hằng năm, cơ quan chức năng sẽ tính toán lại giá bán dựa trên chi phí đầu vào, giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, CPI...
Tuy nhiên, trong văn bản góp ý kiến cho đề án, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại cho rằng những đề xuất tái cơ cấu ngành điện trong đề án này không phù hợp, có khả năng dẫn đến thu hẹp EVN, khiến tập đoàn này không còn là tập đoàn kinh tế mạnh như chủ trương của nhà nước…
Thậm chí, EVN còn cảnh báo rằng, bản đề án mà Bộ Công Thương đưa ra "thiếu tính khả thi và ảnh hưởng đến năng lượng quốc gia" do mới chỉ tập trung chủ yếu vào sắp xếp EVN và chưa phù hợp với các chủ trương của Đảng, Chính phủ về mô hình Tập đoàn Điện lực. Và với đề xuất như vậy thì dường như EVN không còn là người giữ vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và thực hiện các chính sách công ích, xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi lại chưa chỉ rõ đơn vị nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này.
EVN khẳng định rằng tập đoàn hiện là đơn vị nòng cốt trong việc phát triển hệ thống điện bởi những thế mạnh như có uy tín để vay số lượng vốn lớn cho đầu tư, có đủ lực lượng và kinh nghiệm quản lý để xây dựng đồng thời nhiều dự án lớn, có trình độ quản lý vận hành hệ thống điện. Vì vậy, việc tách các công ty nguồn điện khỏi EVN sẽ làm cho các công ty này chưa đủ uy tín để vay vốn với số lượng lớn cũng như không có bộ máy đủ mạnh để chỉ đạo đầu tư các dự án điện mới sao cho theo kịp tiến độ đề ra.
Theo EVN, đề án tái cơ cấu ngành điện mà Bộ Công Thương xây dựng "chỉ đề cập việc chia tách các đơn vị của EVN, mà không xem xét các đơn vị sản xuất điện khác cùng do Nhà nước sở hữu là không toàn diện và khó khả thi". Theo EVN, việc tái cấu trúc mô hình tổ chức của EVN theo hướng tách các khâu đầu tư nhà máy điện - truyền tải điện - phân phối điện được EVN cho là không cần thiết và đầy rủi ro, nhất là trong tình trạng còn thiếu điện như hiện nay.
Theo lộ trình hình thành thị trường điện, giai đoạn 2009 - 2014 là thời gian thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Để thực hiện được bước đi này, giới chuyên gia cho rằng, các nhà máy điện thuộc EVN phải tách ra thành các đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích kinh tế với người mua duy nhất - hiện vẫn là EVN, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện. Ngoài ra, công suất lắp đặt của từng đơn vị phát điện này cũng không được vượt quá 25% công suất lắp đặt của toàn hệ thống. Hiện tại, công suất lắp đặt của toàn hệ thống vào khoảng 15.000 MW và phần các nhà máy do EVN nắm giữ 100% vốn hay có cổ phần chi phối, hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%.
Trao đổi với báo chí tại buổi công bố quyết định tăng giá điện của Chính phủ hôm 17/2 vừa qua, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định: "EVN không muốn độc quyền mà đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho và chúng tôi buộc phải làm".
Ông Tri cho rằng trong bất cứ nền kinh tế nào, Nhà nước cần giữ vai trò độc quyền hoặc quyết định ở những lĩnh vực chủ chốt. Vấn đề là ai đứng ra đại diện cho Chính phủ nắm giữ độc quyền đó. Trong ngành điện thì EVN được lựa chọn để đảm đương nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có phải EVN lo mất thế độc quyền khi gửi văn phản không đồng ý với "Đề án tái cơ cấu ngành điện", ông Đinh Quang Tri cho rằng bản thân EVN cũng muốn có thị trường điện, bởi giá thành khâu phát điện của EVN hiện rẻ nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất điện hiện nay, nhờ có các nhà máy thủy điện, có kinh nghiệm đầu tư và vận hành...
"Chúng tôi sẵn sàng khi có sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực của ngành điện. Nhưng cải tổ ngành điện phải có lộ trình. Nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích dân chúng", ông nói.
Tại buổi họp báo hôm 17/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết đề án tái cơ cấu ngành điện đã được trình Thủ tướng. Dự kiến việc tái cơ cấu ngành điện sẽ bắt đầu bằng việc tách các nhà máy điện ra khỏi EVN. Theo ông, chi phí các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện… rất khó nắm bắt riêng rẽ nên trong đợt tăng giá điện ngày 1/3 tới, các khoản chi phí này sẽ được làm rõ. Khi ấy, người tiêu dùng sẽ được biết giá điện mình đang đóng bao nhiêu chi phí quản lý, khâu nào là tốn kém nhất…
Hồng Anh