Dù đã được nghe báo đài đưa tin ngành giá điện rục rịch tăng từ vài ba tháng trước, bà Bân vẫn không khỏi bất ngờ. Hai vợ chồng sống nhờ vào đồng lương hưu cộng với chút thu nhập từ tiền cho thuê nhà, cũng gọi là tạm ổn nên bà Bân cảm thấy chỉ bị tác động nhẹ khi giá điện tăng. Tuy nhiên, với sinh viên đang trọ học, mỗi tháng phải trả thêm khoảng 9% chi phí giá điện cũng là một khoản đáng phải suy nghĩ.
Còn hơn hai tuần nữa biểu giá điện mới áp dụng, song từ hôm qua, bà Bân đã có cuộc họp thân mật với các hộ thuê nhà để bàn cách thức tiết kiệm điện, đầu tiên là thay bóng điện tuýp, neon bằng đèn compact, sau là đến quy định về giờ sử dụng điện. Mùa hè thì tận dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ và 6h30 mới được bật điện còn mùa đông thì có thể sớm hơn. "Các cháu đều ủng hộ cách thức tiết kiệm này. Khi chuyện tăng giá là không đừng thì chẳng có cách nào khác mình phải tự bóp mồm bóp miệng và sử dụng sao cho tiết kiệm nhất có thể", bà Bân nói với VnEpress.net.
Quyết định tăng giá điện được Thủ tướng phê duyệt được loan đi khiến cho khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội những ngày cuối tuần sôi động hẳn lên. Đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán về những thông tin liên quan đến giá điện. Bên quán nước, sạp bán báo, thậm chí ngay trên bàn cờ đều thấy các cụ hưu trí săm soi tờ báo rồi bàn tán sôi nổi. Bà Vinh - một cán bộ hưu trí ở phường Nam Đồng than thở: Nếu chỉ tăng giá điện thôi thì người dân cũng thắt lưng buộc bụng bằng cách này hay cách khác nhưng trên thực tế, cứ cái này tăng lại kéo theo cái khác đội giá. "Chẳng ai dám chắc rằng các mặt hàng khác như nước, thực phẩm, hàng tiêu dùng lại không bị té nước theo mưa", bà Vinh nói.
Theo bà Vinh, đợt tăng giá bán hồi tháng 7/2007, khi giá điện tăng, các mặt hàng khác cũng đua nhau điều chỉnh khiến chi phí cho mỗi gia đình càng tăng thêm. "Điều này có thể cảm nhận rất rõ mỗi lần tăng giá bán lẻ xăng dầu trong những năm trước".
Ngành điện than: Dân chưa biết tiết kiệm điện. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chị Trinh ở Cầu Diễn, Hà Nội thì cho rằng song song với việc điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng cần thực hiện biện pháp kiểm soát giá các mặt hàng khác để tránh bị "té nước theo mưa". "Bản thân mỗi người dân sẽ nghĩ cách dùng điện sao cho tiết kiệm nhất nhưng đồng lương công chức đã gánh gồng đủ các khoản phí nên không thể thấy chúng tôi còn vắt được thì cứ tiếp tục vắt cho thật khô", chị Trinh nói.
Từ hôm qua, chị Trinh đã thực hiện chính sách tiết kiệm bằng cách tự giặt quần áo và chỉ dùng máy để vắt sạch nước cho chóng khô. "Trời ấm áp hơn nên mỗi lần gội đầu, tôi cũng không sử dụng máy sấy và nước nóng nữa", chị cho biết.
Trước khi đề án giá được phê duyệt, cơ quan chức năng đã trấn an các hộ tiêu dùng rằng mức tăng được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào khả năng tác động thấp nhất có thể tới nền kinh tế và đời sống dân sinh. Tuy vậy, trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng cách doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn mới vừa lo đối phó với khủng hoảng vừa phải chống chọi với phí đầu vào tăng.
Ông Trương Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 8, TP HCM - cho rằng dù điện chỉ chiếm khoảng 0,05% trong sản xuất song trong bối cảnh khó khăn, đơn đặt hàng ít, nguyên liệu đầu vào cao... khó khăn càng thêm chồng chất. Năm nay, xuất khẩu dệt may, da giày được dự báo sẽ giảm khoảng 30-50% so với 2008. Chính vì thế mà ngày đầu năm doanh nghiệp nào cũng rơi vào tình cảnh bế tắc khi khách hàng hầu như không cam kết hợp đồng dài hạn và buộc phải tìm thị trường mới. Trước đây, nguyên liệu nhập khẩu được thanh toán theo hình thức trả chậm song thời điểm hiện tại, các đối tác đều yêu cầu trả ngay nên các doanh nghiệp càng thêm khốn đốn.
Nhìn rõ trước khó khăn này, nên hồi tháng 9/2008, ông Tùng quyết định "xóa sổ" hoạt động xuất khẩu dệt may để tập trung kinh doanh các lĩnh vực sản xuất khác, trong đó có xây dựng nhà chung cư. 300 công nhân được giải quyết theo chế độ thất nghiệp, dây chuyền thiết bị cũng được rao bán... Khi trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Giám đốc Trương Thanh Tùng thở phào: "Tôi rút khỏi thị trường đúng lúc chứ với bối cảnh khó khăn như hiện nay, cứ cố bám trụ thì chẳng tránh khỏi thất bại".
Theo ông, giống như cái vòng luẩn quẩn điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, giá điện tăng thì các mặt hàng khác cũng có cớ điều chỉnh giá và kết quả là người tiêu dùng phải gánh chịu.
Đồng tình với việc này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt đáng kể song nhiều mặt hàng khác như gas, sữa, dầu ăn, thịt... đang đứng ở mức cao. "Điện tăng thì các mặt hàng khác lại càng có cớ để điều chỉnh giá theo", ông Phú nhận xét.
Hiệp hội Siêu thị HN đang lên kế hoạch kiểm tra giá cả tại một số siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn HN. Kết quả kiểm tra sẽ làm bằng chứng để kiến nghị các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách đối với thị trường trong nước, kiến nghị các vấn đề kiểm soát và lưu thông hàng hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng ban nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng việc chọn thời điểm cũng như các mức tăng giá chắc chắn sẽ có lý do riêng. Nếu việc tăng giá điện làm giảm nhu cầu sử dụng khiến cho hệ thống dự phòng bớt căng thẳng, theo đó khả năng năng phục vụ điện cũng tốt hơn thì chắc chắn sẽ nhận được ít nhiều sự đồng tỉnh ủng hộ của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh điện cắt "vô tội vạ" trong thời gian qua.
"Song việc ngành điện có làm được điều này hay không thì còn phải chờ, thời gian sẽ trả lời", ông Phong nói.
Hồng Anh