Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng nay cho thấy, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tính theo giá hiện hành đạt khoảng 1,25 triệu tỷ đồng. Đặt trong so sánh giá với kỳ gốc năm 1994, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 4,38% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, tăng trưởng quý I là 4%, quý II là 4,66%.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cao hơn một chút so với báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua (dựa trên số liệu tính đến hết tháng 5) là 4,31%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều và thách thức rất lớn việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ quyết tâm thực hiện.
![]() |
Sản xuất kinh doanh gặp khó vì lãi suất cao, hàng làm ra tiêu thụ chậm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức thấp do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp. Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê nhìn nhận, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp còn yếu, khả năng cạnh tranh thấp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,52% so với cuối năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt trên 53 tỷ USD trong khi nhập khẩu đạt khoảng 53,8 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 61,5% tổng kim ngạch (cùng kỳ năm 2011 chiếm 54,7%) và tăng 37,3%. Điều này cho thấy mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng, yếu tố giá hầu như không đóng góp vào mức tăng chung và đây là điểm khác biệt với sáu tháng đầu năm 2011.
Trong 6 tháng, cả nước thu hút được 452 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng giá trị khoảng 4,76 tỷ USD. Trong số các dự án FDI được cấp phép mới, Bình Dương là tỉnh có số vốn đăng ký lớn nhất với 1437,2 triệu USD. Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 3536,6 triệu USD.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2012 cũng rất khó khăn. Trong số 10.000 doanh nghiệp điều tra mẫu trên cả nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất (9,1%), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (2,7%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (2,4%). Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp phải đi đến phá sản, giải thể là sản xuất kinh doanh thua lỗ và không tiêu thụ được sản phẩm. Chỉ số tồn kho tại ngày 1/6 tăng 26% so với cùng kỳ. Những ngành có chỉ số tồn kho tiếp tục tăng cao là xi măng, xe có động cơ, chế biến và bảo quản rau quả, thủy sản.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê còn cho thấy yếu tố gây cản trở lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lãi suất vay vốn quá cao.
Cũng theo cơ quan thống kê, bội chi ngân sách Nhà nước đến ngày 15/6 ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng. Con số này bằng khoảng 42,8% dự toán bội chi ngân sách của cả năm.
Nhật Minh - Thanh Lan