Tại phiên họp giao ban tháng 3 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư sáng 28/3, tốc độ tăng trưởng trong quý một của toàn nền kinh tế được công bố ở mức 4%. Con số này theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bùi Hà, là thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) cũng như tốc độ tăng trưởng của quý trước (6,1%). So sánh số liệu trong khoảng 10 năm, 2012 cũng là một trong 2 năm kinh tế khởi động chậm chạp nhất.
![]() |
Doanh nghiệp dệt may khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng trong năm 2012. Ảnh: AFP |
Tăng trưởng GDP quý một trong vòng 10 năm qua
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
6,8% |
7% |
7,2% |
7,2% |
7,7% |
7,43% |
3,1% |
5,83% |
5,57% |
4% |
Nguồn: GSO
Về cơ cấu, tăng trưởng quý I chủ yếu được đóng góp từ khu vực dịch vụ, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Nông - lâm nghiệp, thủy sản đóng góp 2,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 2,9% nhưng riêng xây dựng lại giảm tới 3,8%.
Đổi lại mức tăng trưởng chậm, lạm phát 3 tháng cũng ở mức thấp (2,55%), cán cân thương mại tương đối cân bằng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 9,15 tỷ USD, đưa tổng mức xuất khẩu 3 tháng lên 24,5 tỷ USD, tăng hơn 23,6% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD, da dày 1,5 tỷ USD (tăng 14-15% so với cùng kỳ).
Tuy vậy, theo dự báo của Bộ Công Thương, việc xuất khẩu các mặt hàng này có thể gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do nhu của các thị trường lớn co hẹp: “Thông thường đến thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may đã có hợp đồng cho cả năm, nhưng năm nay hiện mới chỉ có hết quý một, lác đác một vài doanh nghiệp có đến quý II”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Về nhập khẩu, kim ngạch cả quý đạt khoảng 24,8 tỷ USD (riêng tháng 3 là 9,3 tỷ USD), đưa mức nhập siêu 3 tháng chỉ còn khoảng 250 triệu USD, chỉ tương đương 1% xuất khẩu. Đáng chú ý, riêng khối doanh nghiệp FDI đã xuất siêu hơn 800 triệu USD. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, con số này là tương đối “đẹp” cho mục tiêu vĩ mô, nhưng nếu phân tích kỹ, cũng không hoàn toàn đáng mừng.
Cụ thể, nhập xăng dầu 3 tháng chỉ đạt hơn 2 triệu tấn giảm 32% về lượng và gần 20% giá trị. Nhập phân bó cũng chỉ đạt khoảng 618.000 tấn, giảm 27,4% về lượng và 13,5% về giá trị… Trong điều kiện sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu thì việc giảm nhập các mặt hàng nêu trên phần nào cho thấy sự đình đốn, khó khăn của doanh nghiệp.
Những khó khăn này còn được thể hiện ở việc thành lập, giải thể doanh nghiệp khi chỉ có gần 16.000 doanh nghiệp với số vốn hơn 91.700 tỷ đồng thành lập mới (tính đến 15/3), giảm 7% về lượng và 10% về vốn so với cùng kỳ. Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư không đề cập đến số giải thể, phá sản nhưng theo nguồn của một địa phương là TP HCM “dũng cảm” công bố thì trong 3 tháng đã có trên 930 doanh nghiệp khóa mã số tại Cục Thuế thành phố (tăng gần 24% so với cùng kỳ) và phân nửa số này đã hoàn tất thủ tục.
“Ngoài ra có hơn 5.000 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngừng hoạt động đến cơ quan thuế, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM - Lâm Nguyên Khôi cho biết. Cũng theo ông này thì các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải và du lịch…
Về đề xuất, hầu hết các ý kiến đều cho rằng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nằm ở khâu tiếp cận vốn, hạ lãi suất. Trao đổi tại cuộc họp, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Đỗ Thị Nhung cho biết Ngân hàng Nhà nước ý thức rất rõ vấn đề này và đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ sản xuất cho nền kinh tế trong thời gian qua. Trong thời gian tới, nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất huy động có thể hạ dần theo lộ trình (1% mỗi quý) để xoay quanh mốc 10 - 11% vào cuối năm. Cộng thêm biên độ khoảng 3 - 4%, bà Nhung cho rằng lãi suất cho vay có thể ở mức hợp lý đối với doanh nghiệp.
Nhật Minh