Căn nhà khang trang 3 tầng nằm ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội của vợ chồng Lai - Oanh, khóa cửa im ỉm. Khoảng sân nhỏ trong nhà vẫn còn dấu tích của lửa với khói bám.
Người dân làng sống gần đó cho biết, vài hôm trước, một số người đã dùng xăng và bình gas mini châm lửa ném vào căn nhà. Họ tức giận vì cho vợ chồng Lai vay tiền nhưng cả hai ôm nợ bỏ đi. Khoảng 10 ngày trước, Lai đưa vợ con trốn lên Tuyên Quang.
Chị Lài, kinh doanh gội đầu massage, cho Lai vay 70 triệu đồng từ tháng 2. Chị bảo, số tiền đi vay của người khác trong thôn để đưa lại cho Lai. “Lai và chồng tôi vốn là bạn thân từ nhỏ. Dạo đó, Lai vay tiền nhiều của người này rồi nên ngại, bảo tôi đứng ra mượn giúp”, chị Lài kể.
Sau khi bỏ đi, Lai thỉnh thoảng nhắn tin cho vợ chồng chị, sau đó ngắt liên lạc. “Hàng tháng bây giờ tôi phải đứng ra trả lãi 6 triệu đồng cho người ta. Vậy mà lần gần đây, cô vợ nhắn tin bảo có vay của tôi đâu”, chị Lài cho biết.
Người cho vợ chồng Lai vay kha khá là chị Vân, cùng xã Thượng Mỗ, với khoảng 500 triệu đồng. Từ ngày con nợ bỏ đi, chị ngơ ngẩn. Vốn là người cầm họ, huy động tiền từ nhiều người khác, khi Lai ngỏ ý vay vốn, chị không ngần ngại đồng ý. Bây giờ hàng tháng, chị phải đứng ra trả số tiền lãi lên đến vài chục triệu đồng.
Chị Vân chia sẻ, bây giờ đã có một số người đến rút tiền cho vay về. “Họ mà ồ ạt rút hết chắc tôi phải bán nhà để trả”, chị nói. Người phụ nữ này bảo, vợ chồng Lai nói năng rất khéo. Thấy họ xây được căn nhà khang trang, cả hai cùng đi xe máy Vespa LX nên chị thấy an tâm.
Ngoài chị Lài, Vân còn khoảng gần 10 người cho vợ chồng Lai vay tiền từ 100 đến vài trăm triệu đồng. Khi cả hai bỏ lên Tuyên Quang, có người may mắn tìm được tận nơi, đòi được một phần nợ. Ngay ngày hôm sau, một số đi taxi lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang tìm cặp vợ chồng này nhưng họ đã chuyển tới địa điểm khác.
Căn nhà ba tầng khang trang của vợ chồng Lai đóng cửa im ỉm. |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, người dân cũng bàn tán về việc cho vợ chồng anh Lai vay tiền rồi không đòi được. Mọi người nghi ngờ anh này gom tiền cho vợ chồng Quang - Quyên, chủ hiệu vàng, ở thị trấn Phùng, vay lại. “Có chuyện gia đình anh Lai bị ném bình ga và xăng đốt. Chúng tôi đang xác minh vụ việc vì anh này có quan hệ phức tạp”, ông Hùng nói.
Một phụ nữ trung niên, kinh doanh giải khát ngay ngã 3, gần nhà Lai tâm sự, dân ở đây thường ngại ngần không muốn người khác biết mình có tiền cho vay. Các giao dịch thường chỉ là bằng miệng, rồi hẹn đưa chỗ này, chỗ kia, tránh ánh mắt soi mói. Việc Lai vay tiền cũng ít người biết nhưng khi vợ chồng này bỏ đi, dân làng mới hay.
Trong xã Thượng Mỗ, một “đại gia” bất động sản trẻ cũng bị rơi vào vòng xoáy của vụ vỡ nợ Quang - Quyên. Anh này cho vợ chồng Quang vay số tiền lên đến 35 tỷ đồng. Những ngày gần đây, người đưa tiền cho anh này kéo đến nhà gây sức ép đòi tiền về.
Bà Thuyết, mẹ của “đại gia” này cho biết, số tiền trên đã trả cho người dân gần hết. “Chúng tôi đã phải bán 3 chiếc ôtô để trả nợ. Khi biết con bị lừa, tôi như rụng rời chân tay, chẳng thiết làm gì”, bà Thuyết cho biết. Hiện giờ bà chỉ biết cầu mong cho con trai “tai qua nạn khỏi”, chèo chống tốt với nợ nần. Gia đình bà dự định bán mấy mảnh đất ở Yên Bái để trả nợ.
Con trai bà buôn bán bất động sản làm ăn phát đạt nhưng vợ chồng anh này vẫn đi gom tiền thêm để cho Quang - Quyên vay, lấy lãi cao. Giờ vợ chồng Quang - Quyên bỏ trốn, họ phải gánh trọn khoản nợ.
Đại tá Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cảnh báo, nếu người dân có vốn nên gửi vào ngân hàng. Không nên bắt tay và cho các đối tượng tín dụng đen vay tiền. “Khi có những thông tin liên quan tới lừa đảo, nên báo ngay với cơ quan công an để xử lý đúng pháp luật. Không được nhờ các đối tượng xã hội, hay đi đe dọa, xiết nợ… vì như vậy là sẽ gây ra vi phạm”, đại tá Toàn nói.
Việt Dũng
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi