Ngồi trên xe ôtô đến cơ quan, chị Thúy, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội tình cơ nghe được đoạn quảng cáo trên ở một kênh radio. Không nhịn nổi cười, chị Thúy cho rằng điện và nước rửa chén chẳng liên qua gì với nhau, vậy mà những người làm quảng cáo cũng có thể ghép chung một cách khiên cưỡng.
"Công nhận nhắc đến điện thì ai cũng quan tâm, nghe thấy cụm từ điện với đóm' đó tôi cũng chú tâm hơn, tưởng cắt điện hay tăng giá, hóa ra là giới thiệu nước rửa chén. Sự phi lý và gượng ép đó khiến tôi buồn cười chứ không làm tôi nhớ về sản phẩm và tên thương hiệu", chị Thúy nói.
Không ít quảng cáo nhắm vào nỗi lo mất điện, tăng giá điện của người tiêu dùng để giới thiệu sản phẩm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Anh Tùng ở Cầu Giấy, Hà Nội mấy lần đang lái xe trên đường cũng bật cười trước mẩu quảng cáo về bình nước nóng được phát trên kênh VOV giao thông. Đoạn clip do nghệ sĩ hài Quang Thắng và Minh Vượng đóng được mở đầu bằng câu: "Em ơi có nước nóng chưa? Em ơi... có nước nóng chưa?" của nhân vật chồng. Chị vỡ không rõ đang bực tức cáu giận điều gì mà nói rõ to: "Cái gì cái gì, nước nóng bọn trẻ tắm rồi. Đấy, nấu cơm cũng nước nóng, giặt giũ tắm rửa cũng lại nước nóng. Điện thì ngày một tăng giá, anh có biết không?".
Khi chị vợ bày tỏ lo ngại về chuyện giá điện đắt đó, thì anh chồng giải thích rằng biết tâm lý vợ tiết kiệm, anh đã mua mẫu bình nước nóng mới. Loại bình nóng lạnh này tiết kiệm điện tới 9,2%. Chị vợ khi nghe chồng nói thế đã vui vẻ và tính toán ra ngay rằng có sản phẩm mới gia đình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền. "Tôi thấy quảng cáo này chỉ để cho vui chứ ai lại bỏ mấy triệu bạc ra để thay bình mới chỉ để tiết kiệm điện 9,2%. Đa phần các gia đình đều dùng sản phẩm cũ cho đến khi hỏng mới thôi vì nó liên quan đến đường dây và nhiều công đoạn dích dắc khác nữa", anh Tùng nói.
Theo anh, thời gian gần đây, các doanh nghiệp sử dụng chuyện giá điện để quảng cáo nhiều sản phẩm như một thứ mốt thời thượng. Hồi tháng 5/2011 - giai đoạn điện căng thẳng và thương xuyên bị cắt nhất, các đoạn quảng cáo cũng tận dụng chuyện mất điện để quảng bá các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Trong đó, Táo điện lực đôn đáo lo làm sao đảm bảo được nguồn điện khi nước về hồ ít, sản lượng điện đạt thấp trong khi nhu cầu tiêu dùng cao. Trái với hình ảnh này, Táo kinh tế lại phởn phơ đi lại nói cười và khoe rằng mình ăn ngon, ngủ yên bị có thiết bị tiết kiệm điện.
"Các clip này tôi cho là hợp lý và đúng thời điểm nên người tiêu dùng có thể chấp nhận được", anh Tùng nói.
Điểm qua các quảng cáo trên truyền hình, bác Thành, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng hiện nay có khá nhiều clip giới thiệu sản phẩm cũng mượn điện để câu kéo khách. Bác kể, bình nước nóng, đèn, điều hòa nhiệt độ... tiết kiệm điện, cứ sản phẩm nào sử dụng điện đều được gắn mác đó.
Tuy nhiên, theo bác Thành, dù có quảng cáo như vậy, các doanh nghiệp chỉ thu hút được người xem, chứ không mang lại hiệu quả nhiều trong việc tăng doanh thu. "Nhà ai chưa sắm thì có thể theo đó để mua, nhưng đa phần các đồ đó, mọi người đều có cả. Không mấy ai bỏ ra vài triệu đồng mua đồ mới để tiết kiệm vài số điện một tháng đâu", bác nói.
Trao đổi với VnExpress.net, anh Lê Tấn Đạt, Giám đốc điều hành của Công ty Sáng tạo quảng cáo NEO cho rằng xét về động cơ, các đoạn quảng cáo ăn theo điện đều có mục đích tốt. Tuy nhiên, cách thể hiện và diễn giải chưa trúng đích nên đôi khi khiến người tiêu dùng thấy phản cảm. Bởi sử dụng điện lãng phí không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính mà còn gây tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu quảng cáo chỉ mượn điện làm cớ tiết kiệm chi tiêu rồi giới thiệu sản phẩm thì chưa đúng và đủ.
Anh Lê Tấn Đạt cho rằng, với một sản phẩm công chúng như quảng cáo thì dù xấu quá hay đẹp quá đều nổi bật và để lại ấn tượng khó phai trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều khiến chúng có được yêu mến hay không là ở sự đáng yêu, dí dỏm mà vẫn thông minh, hài hước song vẫn thực tế và quan trọng nhất là clip đó phải thể hiện được sự tôn trọng người xem.
"Người tiêu dùng rất thông minh và tinh tế, họ sẽ nhận ra ngay, thậm chí tẩy chay những sản phẩm có cách giới thiệu phi lý và vô duyên", anh Lê Tấn Đạt nói.
Hồng Anh - Xuân Ngọc
Cổng thông tin điện tử Taichinh.Vnexpress.net + EVN Quốc tế chỉ chào bán được 0,82% cổ phần - + EVN vẫn là cổ đông chiến lược của ABBank - + Giá điện tăng, chứng khoán mất điểm - |