Có con nhỏ, thường xuyên theo dõi những quảng cáo sữa trên truyền hình, chị Phạm Minh Tuyết, sống ở Hà Nội tỏ ra khó hiểu về một clip giới thiệu sữa đậu nành mới đây. Trong đó, từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người lớn tuổi đều cầm hộp sữa hút liền một mạch "rộp...rộp", dù ở bất kỳ chỗ nào như trong rạp chiếu phim, trên đường phố.
"Mặc cho người xung quanh hỏi, không ai quan tâm, chỉ biết uống sữa và uống sữa, cố gắng mút thật nhiều, tiếng động thật to để thể hiện rằng sản phẩm rất ngon. Hành động đó rất bất lịch sự", chị chia sẻ. Theo chị Tuyết, trẻ em thường rất thích xem và bắt chước các quảng cáo, sữa lại là một trong thức uống hàng ngày của các cháu nên vô hình chung, việc làm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ nhỏ.
Nhiều hình ảnh bất lịch sự, vô duyên trong quảng cáo khiến người xem nhức mắt. Ảnh minh họa. |
Anh Nguyễn Văn An, sống ở Ba Đình, Hà Nội còn tỏ ra phản cảm với quảng cáo sản phẩm lăn khử mùi. Anh kể, một đôi diễn viên đang nhảy thì đột nhiên dừng, mặt nhăn lại khiến khán giả trong quảng cáo cũng không hiểu nổi về hành động bất lịch sự đó. Xem tiếp đoạn nữa mới hiểu, hóa ra đôi bạn nhảy khó chịu vì mùi mồ hôi của nhau do chưa dùng lăn khử mùi.
Anh An cho rằng, đang biểu diễn, mồ hôi tứa ra là chuyện bình thường. Theo phép lịch sự thông thường, trong những trường hợp đó, họ vẫn sẽ tiếp tục điệu nhảy, vừa là tôn trọng nhau, vừa tôn trọng khán giả. "Việc dừng đột ngột, mặt nhăn lại vừa vô lý, vừa vô duyên. Giới thiệu những sản phẩm tế nhị cần sự tinh tế để đưa ý nghĩa đến người xem", anh An nói.
Tình cờ trong một bữa cơm tối, chị Phương Lan, sống ở Ngọc Khánh, Hà Nội thấy cậu con trai 5 tuổi, lấy băng dính dán vào răng, bóc ra rồi lấy lưỡi liếm đi liếm lại hàm răng. Thấy lạ khi con có những hành động đó, chị gặng hỏi mới hay cháu bắt chước một quảng cáo kẹo cao su làm trắng răng.
"Cháu nhà mình kể trong quảng cáo, cô diễn viên làm vậy để kiểm tra xem răng miệng đã sạch chưa nên cháu mới học theo. Mình cũng không hiểu sao, những clip lại dùng hình ảnh bất lịch sự đến vậy cho quảng cáo của mình", chị Lan băn khoăn. Sau một hồi giải thích cặn kẽ, con trai của chị Lan mới chịu từ bỏ cách kiểm chứng đó.
Hiện nay, không ít clip quảng cáo trên truyền hình khiến khán giả bức xúc, than phiền vì những hành vi bất lịch sự, thiếu tôn trọng cộng đồng. Nam thanh nữ tú đến chốn đông người vẫn "ục ục" súc miệng, giới thiệu sản phẩm thuốc tăng cường khả năng sinh dục, thuốc trĩ giờ ăn cơm hay chương trình cho trẻ em cũng xen quảng cáo sản phẩm người lớn...
"Vô duyên từ nội dung đến giờ chiếu, người làm quảng cáo cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và khán giả, nếu không mất tiền mà cũng không thu được hiệu quả, thậm chí còn để lại ấn tượng xấu đối với người tiêu dùng", anh An, sống ở Ba Đình, Hà Nội nói.
Trao đổi với VnExpress.net, anh Lê Tấn Đạt, Giám đốc điều hành của Công ty Sáng tạo Quảng cáo NEO cho biết, quảng cáo thường đưa những tình huống có thật trong thực tế vào để tăng tính thuyết phục và nhận được sự đồng cảm của người xem. Song, trong quảng cáo cũng là luật tô hồng, tô đen, xấu thì cực xấu, đẹp lại rất đẹp. Điều này giúp khán giả dễ theo dõi và nhận diện sản phẩm, song nếu lạm dụng không khéo léo, nó lại trở thành yếu tố gây nên sự phản cảm.
Theo anh Đạt, quảng cáo cũng là một kênh bán hàng nên mục đích hàng đầu là gây được sự chú ý. "Thu hút, ấn tượng để người xem ghi nhớ đã là thành công bước đầu, từ đó tiến đến mục tiêu tạo lòng tin, sự yêu mến của khán giả để có thêm khách hàng", anh Đạt nói.
Chuyên gia này cho rằng, việc đánh giá một quảng cáo là tốt hay xấu còn phụ thuộc vào góc nhìn, cảm quan của mỗi người. Anh đưa ví dụ, với quảng cáo sữa trên, nếu xét theo lời người xưa dạy rằng "Khi ăn thì không nói chuyện" hay nhìn từ khía cạnh nhân vật đó đang hưởng thụ sản phẩm một cách thoải mái, tự nhiên thì không có gì phản cảm. Nhưng nếu coi trọng cộng đồng hơn cái tôi cá thể thì hành động đó lại tạo ra sự bất lịch sự.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực truyền thông cho rằng mỗi khi "trình làng" bất kỳ clip quảng cáo nào, người sản xuất cũng có những ý định tốt. Song quảng cáo luôn cần những ý tưởng mới, điều này phải đến khi lên sóng, nhận được hiệu ứng của khán giả mới biết là hay hay dở. "Điều cốt lõi là phải tạo ra thông điệp đơn giản, dễ nhớ và đánh thẳng vào tâm lý người xem. Vì điều đó đôi khi họ không làm tròn được những phương diện khác", anh nói.
Xuân Ngọc