Doanh nghiệp tính toán nếu được nhập khẩu vàng, giá trong nước có thể xuống sát thế giới. Ảnh: Hoàng Hà |
Nguồn tin riêng của VnExpress.net sáng nay cho hay hơn 10 doanh nghiệp và ngân hàng đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước, trong đó hai đơn vị đầu tiên là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tổng công ty Vàng Ngân hàng Nông nghiệp (AJC).
Tập đoàn DOJI, Công ty Phú Nhuận (PNJ) và một số ngân hàng khác cũng đã nhanh chóng đề xuất nguyện vọng của mình.
Một doanh nghiệp quy mô lớn cho biết đơn vị này đã xin nhập vài tấn và nếu được cấp có thể mang toàn bộ hàng về trong 3 ngày tới.
"Tuy nhiên, nếu được cấp phép vài ba tạ cũng đủ để hạ nhiệt thị trường", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Vị này phân tích, giá trong nước đang cao hơn thế giới hơn 1 triệu đồng một lượng, nếu không cho nhập chính thức, nguy cơ nhiều đơn vị có chân rết ở vùng biên sẽ đi theo đường tiểu ngạch và họ sẽ tiếp tục thao túng thị trường. Còn nếu doanh nghiệp được nhập công khai, người dân sẽ biết nguồn cung dồi dào hơn, giá trong nước chắc chắn sẽ giảm về sát giá thế giới.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận xác nhận công ty đã gửi hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước và đang chờ phản hồi. Theo bà, nên nhập khẩu vàng về ngay lúc này bởi nguồn cung của doanh nghiệp đang khan hiếm, không đủ đáp ứng sức mua ào ạt trên thị trường.
"Thị trường đang căng quá mức. Nếu như hôm qua chỉ có thị trường Hà Nội nóng, dân tình đổ đi mua nhiều thì đến sáng nay, thị trường TP HCM bắt đầu có dấu hiệu mất bình tĩnh", bà Cúc nói.
Bà Cúc cho biết thêm, trạng thái vàng của công ty đang mất cân đối. Trong ngày hôm qua, PNJ bán ra 2.500 lượng nhưng chỉ mua vào được 600 lượng. Số vàng thiếu hụt vẫn chưa thu gom đủ để cân đối trạng thái.
"Chưa cần biết số lượng bao nhiêu, chỉ cần có thông tin doanh nghiệp nhập khẩu, tâm lý người dân sẽ bình ổn lại", bà Cúc nói. Bà cho biết nếu được cấp phép, đơn vị bà sẽ đưa hàng về trong vòng 3 ngày, thậm chí ngay ngày hôm sau, bởi vàng ở kho ngoại quan hiện khá sẵn sàng.
Theo nguồn tin riêng nói trên, việc cấp phép nhập khẩu đang được cân nhắc song tiêu chí rất chặt chẽ, để đảm bảo một lượng vàng vừa đủ về bình ổn thị trường nhưng không gây tình trạng đầu cơ, đẩy tỷ giá đôla lên cao.
Nguyên nhân sâu xa khiến thị trường vàng rơi vào cảnh khan cung như những ngày này, ngoài lý do mãi lực tăng cao, là nạn xuất nguyên liệu thô trá hình dưới dạng trang sức, mỹ nghệ. Tính tới giữa tháng 7, gần 30 tấn vàng trang sức đã chảy máu ra khỏi Việt Nam, đa phần là loại hàm lượng cao.
Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 7 đã đề xuất Bộ Tài chính mở rộng đối tượng chịu thuế xuất khẩu 10% để ngăn tình trạng này, tuổi vàng trang sức xuất đi theo đó bị hạ từ 99% xuống còn 80%. Trước đó, các loại trang sức dưới 99% được hưởng thuế xuất khẩu 0%.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ xác nhận vàng giao dịch trên thị trường những ngày này chủ yếu là hàng cũ sản xuất từ trước, hầu hết các đơn vị đều hết nguyên liệu để thuê SJC dập đúc.
Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu - ông Vũ Minh Châu chua chát nói các doanh nghiệp vàng thời gian qua trở thành công cụ thu gom hàng để các đầu mối xuất nguyên liệu đi.
Giá vàng trong nước thời gian đó bị ép thấp hơn thế giới cả triệu đồng mỗi lượng. Giờ các đầu mối không thể lách để xuất khẩu như trước, giá trong nước bị đẩy lên cao hơn 1 triệu đồng so với thế giới.
"Bà con không nên ồ ạt mua vàng lúc này, khoảng vênh 1 triệu đồng đó là cái giá quá đắt. Hơn nữa cứ ồ ạt đi mua, sẽ khiến nguồn cung càng căng thẳng, mà mình lại phải mua vàng quá đắt so với giá trị thật", bà Cúc khuyến cáo.
Theo bà Cúc, bà con chỉ nên mua vàng khi giá trong nước cao hơn thế giới không quá 200.000 đồng mỗi lượng.
Song Linh