Bà Huỳnh Thị Huyền Như. |
Không phải chờ tới khi bị bắt cách đây hai ngày, nữ đại gia này mới trở thành người nổi tiếng trong giới đầu tư. Cái tên Huỳnh Thị Huyền Như đã nổi như cồn từ cách đây khoảng 3-4 năm, khi trên sàn chứng khoán chưa niêm yết (OTC) nhộn nhịp người mua kẻ bán, ăn theo không khí sôi động ở thị trường niêm yết.
Đây cũng là thời điểm nhiều người lao vào "đánh" cổ phiếu MB, một thứ hàng nóng trên OTC lúc bấy giờ vì tăng giảm giá với biên độ lớn dù thị trường có sóng hay không. "Giao dịch lớn, cộng với việc tiết lộ dự án đầu tư này, khoản đầu tư nọ..., nhiều người tin khả năng tài chính của bà Như", anh Trung, môi giới OTC kể.
Tạo được lòng tin trong giới OTC, cộng với những vụ đầu tư khác, nhất là bất động sản, không ai nghĩ bà sẽ phá sản bởi nhiều đồn đoán tài sản của bà năm 2007 lên đến cả nghìn tỷ đồng, anh Trung cho biết. Thời điểm này, càng nhiều tiền càng giàu vì các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản) dễ hái ra tiền.
Vụ lừa "khủng" trên thị trường chứng khoán thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Ảnh: B.H. |
Giới chứng khoán mấy ngày nay cũng truyền tai nhau câu chuyện huy động vốn cho vay đáo hạn của bà Như. Theo đó, người phụ nữ này chấp nhận trả lãi 5-7% một tháng và rất uy tín trong thời gian đầu. Cứ đúng kỳ sẽ trả lãi, thậm chí nếu có người đòi lại vốn gốc thì chỉ trong một tuần là được bà Như hoàn lại.
"Nhiều người thử bằng cách này thấy bà Như vẫn xoay sở được càng khẳng định khả năng tài chính vững chắc của bà ấy. Cứ như thế, nhiều người góp vốn cho bà Như "làm ăn" và yên tâm ngồi không hưởng lời", một môi giới OTC tên Tâm kể.
Là đại gia trên OTC, từng công tác tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM, bà Như còn ứng cử vào danh sách Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS). Bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc ORS cho biết, tại đại hội cổ đông ngày 18/5, bà Như được một nhóm cổ đông sở hữu khoảng 15% cổ phần đề cử vào Hội đồng quản trị làm đại diện cho nhóm này và đã đắc cử. Bà Như không sở hữu cổ phần nào tại ORS. Tuy nhiên, chưa đầy 5 tháng ở cương vị mới, ORS đang xem xét lại tư cách thành viên Hội đồng quản trị của bà Như, do có liên quan đến vụ án lừa đảo đang được điều tra. Phía công ty sẽ có thông tin chính thức ngay khi có kết luận của cơ quan chức năng. Khi vụ việc vỡ lở, ngoài ORS, một số công ty chứng khoán thuộc diện nghi vấn đều đứng lên khẳng định không có khách hàng nào tên Như, hay bất kỳ giao dịch vay mượn nào với bà Như trong thời gian qua, hoặc thiệt hại tài chính gì cả. |
Tuy nhiên, theo các nhà môi giới, vốn huy động được từ các cá nhân chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư quy mô hàng nghìn tỷ của bà Như. Phần lớn trong số này được đồn đoán là đến từ ngân hàng và công ty chứng khoán. Phần vốn chủ yếu tạo nên tài sản "khủng" của bà Như là từ vay ngân hàng. Thời điểm ăn nên làm ra, bà Như vẫn đang là cán bộ của ngân hàng. Chưa kể, bà Như là một khách VIP nên được nhiều công ty chứng khoán săn đón về phía mình, bởi giá trị giao dịch hằng tháng 200-300 tỷ đồng.
"Phải có sự hỗ trợ mạnh tay từ ngân hàng, chứng khoán, bà Như mới được tiếp vốn nhiều như thế", chuyên viên phân tích một công ty chứng khoán nhận định. Theo ông, điều này có thể hiểu khi trong bối cảnh các công ty chứng khoán cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, "cướp" khách VIP là điều thường diễn ra. "Cướp" về rồi phải có những ưu đãi đặc biệt để giữ chân họ và dễ dãi cung ứng đòn bẩy là một giải pháp. Vì những khách lớn giao dịch nhiều, tạo doanh thu lớn, mới đẩy thị phần môi giới lên cao, đồng nghĩa với rủi ro, nợ xấu gia tăng.
Nhưng người tính không bằng thị trường tính. Chuyện làm ăn của bà Như bắt đầu gặp khó vào năm 2009-2010, khi thị trường lao dốc, bất động sản cũng ảm đạm. Bất động sản vài chục lô (một lô cả chục căn) không bán được, trong khi tiền lãi phải trả đều đặn khiến bà đuối sức, lấy phần này đắp phần kia. Chính sách siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, càng đẩy bà khốn đốn hơn.
Là khách VIP, bà Như được các công ty chứng khoán cho sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ lớn nên khi thị trường giảm mạnh ngoài dự đoán, khoản thua lỗ của bà ngày một tăng, khả năng trả nợ mất dần. Lúc này các công ty chứng khoán cũng không thể chiều khách được nữa, buộc phải bán tháo để xiết vốn.
Vị chuyên viên phân tích chứng khoán nói trên cũng cho rằng chuyện làm ăn của bà Như lẽ ra không hề hấn gì nếu thị trường tốt, bởi vốn lớn, lợi nhuận dư dả để trả lãi. Tuy nhiên, khi cả bất động sản lẫn chứng khoán bị "siết", bà không còn đường lui. Tài sản nhiều giờ không còn sinh ra lãi nữa mà càng khiến thua lỗ chồng chất, nặng nề hơn.
Nhiều nhà đầu tư phỏng đoán, với quy mô tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ, bà Như chắc chắn phải có "cộng sự". Mấy ngày nay người ta còn nhắc tới một cò khác, cũng huy động vốn từ những người đầu tư sàn OTC cũng với lãi suất cao 7% một tháng và thời gian đầu cũng nghiêm túc trả lãi, gốc đều đặn. Thế nhưng, bà Như không còn khả năng trả nợ khiến môi giới OTC này điêu đứng và trốn biệt, ôm theo số tiền lên tới hàng trăm tỷ mà nạn nhân là những người cả tin dốc vốn ra cho vay mong hưởng lãi cao.
Hạnh, một môi giới OTC cho biết thêm, người phụ nữ thứ 2 tiếp sức với bà Như cũng là tay môi giới có máu mặt trong giới chứng khoán. Khi hùn hạp làm ăn chung (mua cổ phiếu, bất động sản), bà này sẵn sàng bỏ ra 7 phần vốn góp, người còn lại chỉ cần 3 phần, còn lời thì chia đều với lý do tài sản đã có nhiều, chỉ muốn giúp đỡ bạn bè. Điều này tái diễn nhiều lần càng làm tăng sự tin tưởng của nhiều người.
Vào thế khó khoảng 2 năm nay nhưng bà Như vẫn "lèo lái" được và chỉ mới đổ bể cách đây không lâu. Sau khoảng thời gian đầu lãi, gốc trả sòng phẳng, bà Như lẫn người tiếp sức này mới đây đã ôm tiền bặt tăm. Nhiều môi giới OTC là nạn nhân vụ lừa không trình báo công an mà thuê xã hội đen đi tìm bà Như, dẫn đến việc bà này đến cơ quan chức năng đầu thú 2 ngày trước, từ đó vỡ lở ra vụ lừa khủng.
Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra và chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc. Tuy nhiên, những gì giới chứng khoán nói về bà Như, đủ để người ta liên tưởng tới những trùm lừa khủng từng xảy ra trên thị trường chứng khoán thế giới như Madoff, Standford tại Mỹ hay trùm lừa Kazutsugi Namitại Nhật Bản. Các vụ này có mô thức khá giống nhau, huy động vốn theo nhiều tầng lớp và cam kết trả lãi gấp nhiều lần mặt bằng của thị trường. Và kết cục chung là đều đổ bể khi thị trường không thuận lợi. Cả 3 vụ lừa này đều bị phanh phui trong khoảng thời gian 2008-2009, khi thị trường tài chính thế giới sụp đổ và kinh tế toàn cầu lâm vào cuộc suy thoái thế kỷ mà ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài tới ngày hôm nay.
Bạch Hường