Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) tại TP HCM xác nhận thông tin này với VnExpress.net ngày 7/10.
Bà Huỳnh Thị Huyền Như là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), mới được bầu ngày 18/5. Bà Như nguyên là nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank). Người phụ nữ này được cho là liên quan đến vụ huy động vốn trên thị trường chứng khoán tự do (OTC) với mức lãi suất rất cao (5-7,5% một tháng) cùng với một người môi giới khác, nhằm thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, đồng thời đầu tư chứng khoán, bất động sản, chi tiêu cá nhân.
Nhiều người cả trong Nam ngoài Bắc góp vốn, hưởng lãi suất cao. Sau một thời gian trả lãi đều đặn, 2 nhân vật này bặt tăm và không thể thanh toán nợ được nữa. Số nợ được đồn đoán có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Không chỉ giới đầu tư cá nhân, mà một số công ty chứng khoán, ngân hàng được cho là cũng liên quan tới vụ việc, thông qua việc cấp hạn mức tín dụng lớn hàng trăm tỷ đồng cho bà Như. Song thị trường chứng khoán ảm đạm, thua lỗ ngày một chồng chất, dẫn tới mất thanh toán. Những đồn đoán trên sàn chứng khoán còn chỉ ra những cái tên doanh nghiệp liên quan đến vụ vỡ nợ như ORS, Công ty chứng khoán Kim Eng, Vietinbank...
Trưa nay, ORS đã có thông báo chính thức gửi tới Ủy ban chứng khoán, HOSE lẫn HNX liên quan đến bà Như. Theo đó, Chứng khoán Phương Đông đang xem xét lại tư cách thành viên Hội đồng quản trị của bà Như, sau khi có thông tin bà này liên quan tới vụ án lừa đảo mà cơ quan công an đang điều tra. "Công ty sẽ có thông tin chính thức, ngay sau có kết luận của cơ quan hữu quan", văn bản ORS ghi.
Thông báo phát đi cũng khẳng định, bà Như không mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ORS. Công ty cũng không hề có bất kỳ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như trong thời gian qua.
Ngoài ORS, Công ty chứng khoán Kim Eng cũng bị nghi dính vào vụ lùm xùm này. Tuy nhiên Tổng giám đốc Kim Eng - Lê Minh Tâm khẳng định với VnExpress.net: "Không có khách hàng nào tên Như đang có tài khoản và sử dụng đòn bẩy tài chính của Kim Eng". Hiện Kim Eng hoàn toàn không ghi nhận trường hợp nợ xấu nào, theo ông Tâm. Tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ margin của Kim Eng chỉ được cấp hạn mức tối đa 9 tỷ đồng một người, tương đương 3% vốn điều lệ của công ty theo quy định.
"Chúng tôi chưa bao giờ có việc "siết" luôn cổ phần tại công ty chứng khoán Kim Eng của khách hàng này và chuyển sang cho người khác", ông nhấn mạnh.
Nhiều đồn đoán Công ty chứng khoán Phương Đông dành hạn mức tín dụng lớn cho bà Như để đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, trưa nay, ORS đã khẳng định: "Không hề có bất kỳ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như trong thời gian qua". Ảnh: Nhật Minh |
Chiều 5/10, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng có công văn gửi các cơ quan chức năng. Vietinbank cho rằng mấy ngày qua có những "tin đồn thất thiệt có chủ ý" về thất thoát tài chính lớn của nhà băng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh, giá trị cổ phiếu CTG...
Vietinbank thừa nhận có hiện tượng một số ngân hàng thương mại cổ phần thông qua các công ty "sân sau" cấu kết với phần tử xấu trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Trong đó, hai cán bộ Vietinbank bị lôi kéo làm hồ sơ, hợp đồng, chữ ký, con dấu giả... để chuyển tiền qua hệ thống một số nhà băng, lấy tiền ngân hàng sử dụng cho mục đích khác.
Công văn nói rõ: "Vietinbank không chịu bất kỳ tổn thất gì về tài chính liên quan tới vụ việc trên. Nhà băng đã sa thải, hủy hợp đồng lao động 2 cán bộ của Vietinbank có tham gia hành vi bất hợp pháp".
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, một lãnh đạo Vietinbank cho biết, hiện phó giám đốc nhà băng là chồng bà Như đã được điều về hội sở để làm rõ việc có liên quan hay không đến dùng tín dụng ngân hàng hỗ trợ vợ đầu tư riêng.
Còn Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM Lê Hải Trà cho rằng vụ việc không liên quan Sở giao dịch chứng khoán vì hoạt động xảy ra trên sàn OTC (không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở), kể cả các hoạt động margin của những công ty chứng khoán.
Tin đồn vỡ nợ, lừa đảo của một đại gia OTC lan truyền trên thị trường chứng khoán mấy ngày nay. Anh Trung, một môi giới OTC tại TP HCM cho biết, giao dịch tại thị trường OTC từ đầu năm tới nay rất èo uột. Một số người bỏ việc, số khác chuyển sang cho vay nóng với lãi suất có khi tới 7% một ngày, "ngon ăn" hơn cả mọi loại hình đầu tư hiện nay. Dĩ nhiên, người đứng ra vay từ những môi giới này cũng là người có máu mặt trên thị trường OTC.
"Bản thân tôi cũng thấy ham khi không cần đầu tư, cất công tìm kiếm khách hàng mã vẫn nhàn nhã lãnh lãi cao nên cũng đã định gia nhập nhóm góp vốn cho vay đáo hạn", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho biết, đã rất nhiều vụ "bể kèo" diễn ra trước đó, nhưng quy mô chỉ tầm vài chục tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau mà các "cò" OTC cho vay, không có giấy tờ gì xác nhận cũng như tài sản đảm bảo để nếu người đứng ra vay không hoàn trả có thể xiết nợ được.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 7/10, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) - Phạm Hồng Sơn cho biết cơ quan này đã nhận được thông tin về vụ lừa đảo và đang yêu cầu Công ty chứng khoán Phương Đông và Công ty chứng khoán Kim Eng báo cáo chi tiết về quan hệ và các giao dịch với bà Huỳnh Thị Huyền Như. Riêng Công ty chứng khoán Phương Đông cần có công bố thông tin kịp thời vì vụ việc có liên quan đến thành viên hội đồng quản trị. Ông Sơn cũng cho biết Ủy ban đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc và sẽ sớm có thông tin tới nhà đầu tư và công luận. |
Nhóm phóng viên
* Những nạn nhân của vụ lừa có thể thông tin cho VnExpress.net qua địa chỉ kinhdoanh@vnexpress.net