Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương vừa có bản báo cáo dài 8 trang liên quan đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước 8 tháng đầu năm. Trong đó đáng chú ý là tình trạng đầu tư ra ngoài ngành vẫn tiếp diễn ở khối doanh nghiệp này.
Nợ đầm đìa, EVN vẫn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ra ngoài ngành. |
Trong số 31 doanh nghiệp và ngân hàng nằm trong diện khảo sát, có tới 21 đơn vị vẫn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chủ chốt theo chức năng nhiệm vụ của mình. Tổng số vốn đầu tư ra bên ngoài tính trong 8 tháng đầu năm nay lên tới 22.590 tỷ đồng.
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước mới công bố, tình trạng đầu tư ra ngoài ngành của khối doanh nghiệp này năm 2009 đã giảm đáng kể. Trong đó, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn tại 27 tập đoàn, tổng công ty nằm trong danh sách kiểm toán là 110.865 tỷ đồng.
8 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đứng dẫn đầu trong nhóm 6 doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Công nghiệp cao su đứng vị trí thứ 2 với khoản đầu tư ra bên ngoài vào khoảng 3.700 tỷ đồng, chiếm 19,8% vốn điều lệ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành với 2,8% vốn điều lệ, tương đương với 2.100 tỷ đồng. Báo cáo của Đảng ủy khối Trung ương không nói cụ thể EVN đã đầu tư vào những lĩnh vực nào ngoài chức năng chính. Theo chức năng Thủ tướng cho phép từ tháng 6 năm nay, EVN chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực khách sạn, du lịch kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, đầu tư và cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp.
EVN nhiều năm qua liên tục kêu lỗ để dọn đường tăng giá bán lẻ điện nhưng vẫn đầu tư ra ngoài ngành. Chưa kể, ông nhà đèn này còn đang nợ đầm đìa đối tác với số tiền lên đến nhiều triệu đôla Mỹ.
Lĩnh vực đầu tư "rủi ro" như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn là danh mục được các "quả đấm thép" đổ nhiều vốn hơn cả. Trong đó, 13 doanh nghiệp, tập đoàn nằm trong diện kiểm tra đã dốc tới 10.700 tỷ đồng cho các danh mục kể trên. Trong đó, đứng vị trí đầu vẫn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN với 5.636 tỷ đồng.
Cũng theo bản báo cáo kể trên có 13 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán tổng vốn là 1.300 tỷ đồng. 8 doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN với hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, việc đầu tư ra ngoài ngành đã giúp một số doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính. Nhưng ngược lại, có đơn vị đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề chính lại đổ tiền cho lĩnh vực nhạy cảm đang tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn vốn.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong khối đều đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư để thực hiện các dự án trọng điểm dẫn đến chậm tiến độ. Chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thấm, thậm chí bị thua lỗ. Và nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ có đơn vị rơi vào khả năng mất thanh toán, khủng hoảng nợ.
Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng cho thấy Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN - Vinashin đang tái cơ cấu chậm, sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đề ra. Một số đơn vị thành viên chưa có khả năng trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tập đoàn Điện lực VN lũy kế lỗ đến ngày 30/6/2011 là 31.565 tỷ đồng. Trong đó lỗ năm 2010 là 23.647 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải VN 6 tháng đầu năm 2011 lỗ 660 tỷ đồng, khoản nợ nhận từ Vinashin chuyển sang 16.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Xăng dầu VN 7 tháng đầu năm lỗ 1.449 tỷ đồng. Còn Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán tổng nợ lên đến trên 5.500 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, Tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ và đạt 69% kế hoạch. Trong đó lợi nhuận (chưa tính Vinashin và Vietnam Airlines) đạt 35.600 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm ngoái (chỉ tương đương 57% cùng kỳ) và bằng 77% kế hoạch năm. Phần nộp ngân sách của nhóm này tăng 12,2% so với năm ngoái.
Đạt doanh thu và lợi nhuận cao chủ yếu là nhóm các doanh nghiệp tận dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Cao su, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà Phê, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT)... với mức tăng trưởng sản lượng hoặc doanh thu từ 20-50%. Trong khi những ngành công nghiệp trọng điểm như đóng tàu (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), điện (Tập đoàn Điện lực VN) lại không có lãi và dự kiến không hoàn thành kế hoạch năm.
Nhóm ngân hàng và bảo hiểm làm ăn khấm khá hơn. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có vốn nhà nước đạt hơn 14.800 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm đạt doanh thu hơn 18.800 tỷ đồng tăng 20 so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuê hơn 3.750 tỷ đồng, tăng 15,2%.
Hồng Anh