Kết quả của "Nghiên cứu Giám sát Người tiêu dùng với Thương mại điện tử năm 2012" do Visa vừa công bố do cho thấy, người Việt dần chuộng mua sắm trực tuyến và tin tưởng hơn vào các biện pháp bảo mật trực tuyến.
Có 98% người tham gia nghiên cứu tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ trên mạng trong vòng 12 tháng qua. Trong đó, 71% đã mua hàng trực tuyến và 90% đối tượng khảo sát cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng cách mua bán này trong tương lai.
Mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng tiết kiệm được cả thời gian và công sức so với thương mại truyền thống. Ảnh: Anh Quân |
Trong số các lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, sản phẩm và dịch vụ dành cho sức khỏe tăng trưởng nhanh nhất, từ 4% lên 11% trong 12 tháng qua. Tiếp sau đó là sản phẩm chăm sóc trẻ, thời trang, điện tử gia dụng... Theo bà Mai Thu Trang, phụ trách marketing của Vật giá, sự phát triển của thương mại điện tử sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho những ai kinh doanh trực tuyến.
Chủ một website kinh doanh hàng thời trang cho biết, mặc dù mới mở được khoảng nửa năm nhưng doanh nghiệp làm ăn khá ổn định. Doanh thu không được tiết lộ cụ thể nhưng anh đánh giá thương mại điện tử là môi trường làm ăn hết sức hứa hẹn trong tương lai.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nhận định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và có thể nói "bùng nổ" trong năm 2013. "Các đơn vị trong ngành Internet nước ta đều rục rịch ra các trang thương mại điện tử của riêng mình. Một số công ty nước ngoài cũng nhìn thấy tiềm năng và bắt đầu đổ quân vào thị trường Việt Nam. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy khả năng phát triển của ngành kinh doanh này trong năm tới", chuyên gia này chia sẻ.
Cũng theo ông, trong khi một số trang web có xu hướng theo con đường giới thiệu hàng hóa, đa phần các công ty trong lĩnh vực trực tuyến năm 2012 đã tập trung vào những giao dịch thật với khách hàng. Chuyên gia cũng cho rằng, năm 2011 Việt Nam phát triển nhanh mô hình Groupon (mua theo nhóm để hưởng ưu đãi) ăn theo thế giới nên khi thị trường quốc tế đi xuống trong năm 2012, các doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng.
"Theo tôi biết, có hơn 80 công ty theo hình thức Groupon ở nước ta năm 2011, nhưng sau một loạt sự cố vừa rồi, con số này giảm đi khá nhiều. Tuy nhiên, việc này vẫn tốt cho người tiêu dùng vì vừa sàng lọc được các doanh nghiệp không phù hợp, vừa giáo dục cho bản thân khách hàng về thương mại điện tử", ông nói.
Một khảo sát của Bộ Thương mại với 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, và được dự báo lên con số 6 tỷ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam vẫn gặp những rào cản, trong đó phải kể đến môi trường kinh doanh kém tin cậy. "Khách hàng tỏ ra không mấy tin tưởng khi mua hàng trên mạng. Họ cảm thấy không được bảo vệ quyền lợi hoặc bảo mật thông tin", ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết.
Mặc dù hiện nay, việc thanh toán đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các website với ngân hàng để tạo ra các ví điện tử, nhưng việc thanh toán trực tuyến hiện vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mua bán điện tử ở Việt Nam. Trên thực tế, phần đông doanh nghiệp vẫn áp dụng hình thức thanh toán COD (khách hàng mua trực tuyến nhưng vẫn trả tiền mặt cho nhà cung cấp khi nhận sản phẩm).
Trong khi đó, hình thức nạp tài khoản qua thẻ cào không phổ biến và chỉ được sử dụng như một biện pháp dự phòng. Giám đốc một công ty bán hàng online tiết lộ, khi khách hàng dùng thẻ cào, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ chỉ được nhận hưởng từ 85% đến 94% số tiền nạp nên thường không chấp nhận cách này.
Vấn đề bảo mật khi thanh toán trở thành nhân tố quan trọng quyết định hành vi của người dùng trên mạng Internet. Gần 70% khách mua hàng trực tuyến năm 2011 cho biết chính sự cải thiện về bảo mật đã thuyết phục họ mua hàng trực tuyến nhiều và thường xuyên hơn. Phần lớn người khảo sát (83%) ghi nhận cảm thấy tin tưởng hơn vào hệ thống thanh toán trực tuyến.
Tâm Nga