Sự phát triển nhanh chóng của Internet sau 15 năm có mặt tại Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình thương mại điện tử. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoan, chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử (trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội), doanh nghiệp nhờ áp dụng những mô hình mới này mà tiết kiệm được chi phí kinh doanh, giúp quá trình vận hành nhanh và chính xác hơn, nâng cao hiệu quả công việc.
Ông Thoan đánh giá thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng nguồn thu để phát triển bền vững. "Ngoài hai lý do trên, áp lực từ hội nhập và cạnh tranh cũng khiến các đơn vị kinh doanh phải ứng dụng thương mại điện tử", ông cho biết thêm.
Tại Việt Nam, hai mô hình kinh doanh thương mại điện tử phổ biến là các sàn giao dịch và mua hàng theo nhóm. Đặc biệt, hoạt động mua theo nhóm phát triển rất mạnh trong giai đoạn 2010 - 2011 dựa trên mô hình Groupon (Group + Coupon) của nước ngoài (ra đời cuối năm 2008). Tính đến nay, Việt Nam có khoảng gần 100 địa chỉ mua hàng theo nhóm như Nhóm Mua, Hot Deal, Mua Chung, Cùng Mua,...
Các công ty mua hàng theo nhóm sẽ đi tìm các doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm muốn tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu. Mặt hàng của các đơn vị này sẽ được chào bán trên website của các trang mua nhóm, khi đạt số người mua nhất định với từng món hàng, công ty sẽ cho khách đăng ký mua hàng bằng các voucher giảm giá (từ 10% đến 90% so với giá niêm yết của nhà sản xuất).
Hình thức mua hàng theo nhóm vẫn chưa phát huy được hết ưu điểm tại Việt Nam. |
Đánh giá về mô hình Groupon tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Thoan nhận định đây là phương thức có lợi về góc độ kinh doanh, đối với cả người mua và người bán, và vẫn đáp ứng được nhu cầu nói chung. Ông Thoan cũng cho rằng mua theo nhóm sẽ còn tồn tại trong thời gian tới, nhưng cần điều chỉnh để đạt được lợi ích tối đa.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink nhận định, Groupon không chỉ tạo dựng được cộng đồng kinh doanh trực tuyến, mà còn thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, qua đó các doanh nghiệp sẽ có được kênh quảng bá sản phẩm dịch vụ tốt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, những điểm hạn chế, bất cập của mô hình kinh doanh theo nhóm trên thế giới dần bộc lộ tại một số doanh nghiệp Việt Nam, khi các đơn vị Groupon mất khả năng thanh khoản sẽ khiến cả nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng bị thiệt hại.
"Nhược điểm của mô hình này tại Việt Nam là sự phát triển quá nhanh, quá nóng khiến chất lượng doanh nghiệp không đồng đều", ông Long bình luận.
"Nếu có website mua hàng theo nhóm ngừng hoạt động nhưng đang tạm giữ nhiều tiền của người mua đã thanh toán, cũng chưa trả tiền cho doanh nghiệp cung cấp sản phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến cả hai bên mua và bán", ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết.
Để khắc phục vấn đề này, theo ông Bình, trước hết thị trường cần phải có những sàn giao dịch uy tín. Ông cũng đề xuất sử dụng công cụ trung gian đã được cấp phép như ví điện tử để phòng khi trường hợp xấu xảy ra, nhằm loại bỏ những rào cản trong khâu thanh toán. Thêm vào đó, nhờ tính năng hoàn trả thanh toán khi có sự cố, các đơn vị giao dịch trung gian sẽ giúp người tiêu dùng an toàn hơn trước các chiêu bài lừa đảo.
Công ty bán hàng theo nhóm đông, nhưng vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ của người bán chưa được thắt chặt, khiến người dùng quan tâm tới chất lượng hàng hóa nhiều hơn trước. Trên các trang mạng có không ít lời tham phiền về sản phẩm mua theo nhóm không như lời quảng cáo, một số người dùng còn tố nhà cung cấp "có thái độ phân biệt giữa khách thường và khách dùng voucher".
Thậm chí, có những công ty sẵn sàng "hét" giá sản phẩm hoặc dịch vụ lên cao hơn thực tế, sau đó đặt tỷ lệ giảm giá lớn khiến người mua cho rằng mình được lợi từ chương trình. Bên cạnh đó, các loại hàng giả, hàng nhái cũng "đồng thau lẫn lộn" với hàng thật, một số website bán hàng cố tình mập mờ thông tin hoặc ghi sai để đánh lừa người tiêu dùng.
Hiện nay, sự khắc nghiệt khi quá nhiều công ty tranh nhau "chiếc bánh lợi nhuận" của mô hình Groupon đã làm cho những đơn vị yếu thế phải từ bỏ hoặc phát sinh các vấn đề điều hành. Tháng 2/2012, website mua theo nhóm Zingdeal của công ty cổ phần VNG quản lý đã ngừng hoạt động, sau hơn một năm thành lập.
Gần đây nhất là sự kiện công ty Nhóm Mua " thay tướng" đầu tháng 11. Công ty phát đi thông cáo cựu CEO Tom Trần đang bị cơ quan chức năng điều tra, và quyết định bổ nhiệm ông Kyle Phạm vào vị trí Giám đốc điều hành công ty. Ngay sau đó, website của Nhóm Mua đã dừng hoạt động trong 4 ngày, khiến không ít khách hàng đã mua phiếu giảm giá của hãng bị từ chối phục vụ tại một số địa chỉ do Nhóm Mua chưa thanh toán hóa đơn cho các đơn vị này.
Đại diện Smartlink cho rằng, những gì vừa diễn ra đã gây hoang mang cho thị trường, tác động không nhỏ đến lòng tin của cả người bán lẫn người mua khi tham gia thương mại điện tử. "Từ đó tiếp tục dấy lên những lo ngại về hành lang pháp lý cần thiết để kiểm soát rủi ro phát sinh, nhằm đảm bảo quyền lợi các bên tham gia".
Trao đổi với VnExpress, tân CEO Kyle Phạm của Nhóm Mua cho biết ưu tiên hàng đầu lúc này là có được niềm tin của khách hàng. Ông Kyle nhận định mô hình Groupon tại Việt Nam có tiềm năng lớn, và "các nhà cung cấp dịch vụ cũng như người tiêu dùng hiện chỉ khai thác một phần nhỏ mô hình này".
Theo ông thị trường đang cạnh tranh rất gay gắt, không chỉ riêng công ty mà cả nhà cung cấp lẫn khách hàng vừa phải trải qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, ông Kyle khẳng định việc khai thác Internet phục vụ thương mại còn tiếp tục mang đến lợi ích cho khách hàng và doanh nghiệp, thì các đơn vị kinh doanh mua bán hàng theo nhóm vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoan về tương lai tốt của thương mại điện tử nói chung và mua hàng theo nhóm nói riêng tại Việt Nam, ông Bình cho rằng doanh nghiệp Groupon muốn phát triển hơn nữa cần chú trọng tới khâu vận tải, mở các kho hàng riêng, xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp. Đại diện của VECOM chia sẻ, các công ty Groupon muốn đảm bảo lòng tin của cộng đồng với bản thân doanh nghiệp và với nền thương mại điện tử còn non trẻ cẩn phải đề cao việc giải quyết quyền lợi cho người mua và bán.
Khẳng định mô hình thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng, Trưởng ban truyền thông của VECOM nhấn mạnh: "Thương mại truyền thống có nhiều bất cập và khó khăn, khiến người tiêu dùng dần chuyển sang thương mại điện tử". Tuy nhiên ông cũng cho rằng Việt Nam chưa phát triển mô hình này đúng với khả năng vốn có. Ông Bình dẫn Trung Quốc làm ví dụ, khi một năm mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử của Việt Nam chỉ bằng một ngày của nước bạn. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet của Trung Quốc chỉ gấp 6 lần Việt Nam, nhưng lưu lượng giao dịch mua bán qua mạng lại cao gấp 360 lần. |
Anh Quân