Mở cửa năm 2010 ở 26,7 triệu đồng, giá vàng trong nước đều đặn đi lên, dần tăng tốc vào tháng 8 và đạt mốc 36 triệu đồng ngày cuối năm. Trong quá trình này, thị trường trải qua hai cú sốc lớn vào tháng 2 và tháng 11.
Ngày 5/2/2010, dân chúng nháo nhào khi chỉ sau một đêm, mỗi lượng vàng mất 1,5 triệu đồng, xuống quanh 25 triệu đồng. Bên cạnh yếu tố giá thế giới, nguyên nhân của đợt giảm giá này còn do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doang nghiệp lớn tung hàng ra để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, đà giảm chỉ kéo dài được vài ba ngày. Nhân thời điểm giá thấp, người dân cùng nhà đầu tư tranh thủ đi mua, có lúc vơ vét đến mức cửa hàng không còn vàng để bán, đẩy giá quay lại mức trước đó là 26,4 triệu đồng vào ngày 11/2.
Năm 2010 là một năm đầy biến động của vàng. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, cơn sốt tháng 2 không thấm vào đâu so với cú sốc giá cuối năm. Trong khi người dân và nhà đầu tư vẫn chưa thể quên cơn điên loạn của giá hồi tháng 11/2009 thì đến tháng 11 năm nay, "đến hẹn lại lên", thị trường lại rơi vào một cơn điên khác với diễn biến tương tự.
Ngay từ đầu tháng 11, thị trường vàng không ngừng thiết lập các mốc kỷ lục mới 33, 34 rồi 35 triệu đồng chỉ trong vòng một tuần lễ. Nhưng những bất thường chỉ thực sự bắt đầu vào ngày 8/11. Trong khi giá mỗi lúc một đắt, người dân lại ùn ùn đi mua vàng; trong khi thế giới điều chỉnh giảm, giá trong nước vẫn đều đều thẳng tiến.
Những bất thường này khiến thị trường còn rơi vào vòng xoáy điên loạn hơn vào hôm sau, 9/11, khi giá tăng từng giờ, nhảy lên kỷ lục chưa từng thấy 38,2 triệu đồng mỗi lượng. Thế giới cũng lập đỉnh mới ở 1.410 USD. Giá quốc tế tăng một thì trong nước tăng mười. Kịch bản của năm ngoái lặp lại ở chỗ trong thời điểm giá lên mức cao nhất, người ta chứng kiến cảnh dân chúng, nhà đầu tư ào ạt đi mua vàng. Đôla tự do cũng được đà leo thang lập đỉnh chưa từng thấy trước đó ở 21.500 đồng mỗi USD.
Vàng, đô phi mã khiến người dân khốn đốn. Từ rau củ ngoài chợ đến người đánh giày ngoài đường cũng đòi tăng giá vì vàng, các doanh nghiệp kinh doanh và người dân vay mua bằng vàng, đôla cũng chỉ biết kêu trời.
Để giải quyết cơn sốt giá "ảo" do yếu tố đầu cơ, trưa ngày 9/11, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho phép nhập khẩu vàng. Ngay sau đó, vàng lập tức bốc hơi cả triệu đồng vào buổi chiều, giá đôla cũng tụt dốc.
Sau cơn sốt tháng 11, thị trường dần ổn định trở lại. Dù có lúc thế giới lập đỉnh tới 1.432 USD hôm 7/12 nhưng giá trong nước vẫn không tăng quá mức, chỉ quanh quẩn ở 36,5 triệu đồng. Đôla cũng dần hạ nhiệt trở lại, xuống sát 21.000 đồng trong những ngày cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước ra tay dẹp yên thị trường vàng
2010 cũng là năm chứng kiến hàng loạt biện pháp mạnh tay kiềm chế thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Sau vài tháng đồn đại, ngay ngày đầu tiên của năm 2010, thị trường vàng đón nhận thông tin mọi hoạt động sàn vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ bị cấm. Dù hạn chót chấm dứt chơi vàng tài khoản nhiều lần bị di dời, từ 30/3 và đến 31/7, các hoạt động kinh doanh chính thức đã chết yểu từ hồi đầu năm.
Bên cạnh đó, để chấm dứt tình trạng khan hàng "ảo" dẫn đến giá trong nước đắt đỏ, vào tháng 10 và 11/2010, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cấp quota nhập vàng, chưa kể một lần cấp phép cho Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hồi tháng 2. Tất cả các lần cấp phép nhập khẩu này đều phát huy tác dụng, hạ nhiệt giá trong nước, kéo gần khoảng cách với quốc tế.
Vào cuối tháng 10, thị trường chấn động với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22 với các quy định ngặt nghèo về hoạt động huy động và sử dụng vốn huy động bằng vàng của giới nhà băng.
Chung tay với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng ban hành hai quyết định về thuế vàng. Cụ thể, từ ngày 12/11, thuế nhập khẩu vàng giảm từ 1% xuống còn 0%, trong khi thuế xuất vàng đang từ 0% nhảy lên 10% (áp dụng đối với một số nhóm hàng). Những quyết định này có mục đích tăng nguồn cung trong nước, nhằm góp phần hạ nhiệt thị trường.
Thanh Bình