Bà Mai, quận Bình Tân, TP HCM cho biết, gia đình vừa bán miếng đất gần một tỷ đồng nhưng giờ không biết xử lý sao với số tiền này. "Ông xã thì muốn gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất cho an toàn, nhưng tôi lại muốn mua vàng hoặc USD chờ giá lên bán hưởng chênh lệch. Hai vợ chồng nhiều phen nổi 'sóng gió' chỉ vì vấn đề này", bà Mai than thở.
Trong khi đó, những người trước kia lỡ thuê nhà dưới hình thức trả bằng vàng giờ cũng "sống dở, chết dở". Anh Thanh, nhà quận 6, TP HCM chia sẻ với VnExpress.net, năm 2009, anh có thuê một mặt bằng tại huyện Bình Chánh với giá 5 chỉ vàng SJC một tháng (tại thời điểm đó giá 26 triệu đồng) để bán máy phát điện. Thời hạn thuê 5 năm. Nay giá vàng tăng tăng tới gần 38 triệu đồng khiến khiến chi phí thuê đội lên rất lớn.
Nếu tính sơ qua, với mức giá 38 triệu như hiện nay, mỗi tháng anh phải trả thêm một khoảng tiền dôi ra trên 6 triệu đồng. Nhưng nếu huỷ hợp đồng trước hạn thì anh phải đền bù 20% tổng giá trị (tương đương gần 240 triệu đồng). "Cứ nghĩ giá vàng lúc đó 26 triệu sẽ quay đầu hạ nhiệt. Nào ngờ, giá cứ điên cuồng tăng cao và không biết sẽ còn tăng đến bao giờ", anh chua chát nói.
Giá vàng ngày hôm nay thay đổi từng giờ. Ảnh: Lệ Chi |
Giá USD trong ngày hôm nay cũng có một phiên biến động dữ dội. Thị trường đôla sáng nay, có lúc mỗi USD chợ đen đạt kỷ lục 21.500 đồng (tại Hà Nội), và 21.540 đồng (TP HCM). Tuy nhiên, sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ cho những ngân hàng có đơn xin mua, giá đã quay đầu giảm nhẹ. Đến chiều nay, các cửa hàng báo giá bán còn 21.300 đồng. Chiều thu mua phổ biến quanh 21.100 đồng mỗi USD lúc 15h30 chiều nay.
Đôla tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết xoay sở thế nào với kế hoạch kinh doanh. Đại diện Công ty Tân Thuận Tiến cho biết, doanh nghiệp giờ đây cũng rơi vào tâm lý mơ hồ, không biết nên tính toán theo chiều hướng nào cho hợp lý. Với giá USD cao ngất ngưởng như hiện nay, nếu tiếp tục nhập nguyên liệu về sản xuất thì sợ thời gian tới, tỷ giá giảm mạnh doanh nghiệp sẽ cầm chắc lỗ. Còn nếu tiếp tục tăng cao thì công ty cũng khó lòng điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. "Với tình thế này, chúng tôi cũng không biết nên đẩy mạnh sản xuất hay cầm chừng", vị đại diện chia sẻ.
Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM xác nhận, hôm nay, số người đi mua vàng để trả nợ vay ngân hàng vẫn diễn ra đều đều. "Tuy số lượng không đột biến nhưng một khi lượng cầu đang diễn ra mà nguồn cung đứng yên thì giá tăng là điều tất yếu", ông nói.
Ông cho biết thêm, trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục tăng cao, không chỉ người dân mới cố giữ vàng mà các nhà băng lúc này cũng thực hiện phương án "thủ" (tức cố giữ vàng trong kho).
Đứng về góc cạnh một chuyên gia độc lập, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa tài chính Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng nhanh và mạnh hơn thế giới trong ngày hôm nay.
Trước hết, phải thừa nhận là cầu của thị trường là có thật. Bởi hiện nay, trong lúc giá vàng đang tăng vù vù thì giới đầu tư thế giới vẫn không ngừng mua vào và người dân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Họ luôn kỳ vọng giá sẽ còn lên cao nữa nên vẫn muốn mua vào.
Thứ hai, tâm lý hoang mang của người dân đang bao trùm lên thị trường, tạo cơ hội cho một số đơn vị kinh doanh vàng đầu cơ, đẩy giá. Và nguyên nhân cuối cùng là xuất phát từ phía chính sách. Những chính sách được cơ quan chức năng ban hành tuy đúng, nhưng do cách triển khai chưa đồng bộ, chưa thực sự kịp thời và quyết liệt nên hiệu quả đem lại không cao như mong muốn.
Lệ Chi