Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) - cuộc đối thoại thường niên lớn nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực FDI - đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đại diện cho Chính phủ tham gia diễn đàn để lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của doanh nghiệp.
Đại diện từ các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp ghi nhận những đóng góp của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Alain Cany - Đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - nhận xét: "Chính phủ đã nỗ lực cải thiện vĩ mô. Mặc dù GDP đã giảm sút nhưng đã có một môi trường có thể tin tưởng hơn".
![]() |
Doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thừa nhận những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải như lạm phát có thể quay trở lại, quản lý giá, vấn đề hàng tồn kho, tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Mặc dù vậy, đại diện Chính phủ Việt Nam cho rằng đây chính là thời điểm rất cần sự đồng hành và nỗ lực của các doanh nghiệp. "Đây là thời điểm thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp năng động, dám nghĩ, dám làm. Chính phủ luôn kề vai sát cánh, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị các bộ ngành nghiêm túc tiếp thu những đề xuất chính đáng của doanh nghiệp", Phó thủ tướng chia sẻ và khẳng định.
Có mặt tại diễn đàn năm nay, Chủ tịch Amcham - Christopher Twomey – cũng đánh giá cao nỗ lực bình ổn của Chính phủ. "Những năm qua, thành công của Việt Nam trong thu hút FDI dựa chủ yếu trên kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định. Tuy nhiên,Chính phủ cần có cải cách cấp thiết, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, cần tích cực hơn nữa trong việc chống tham nhũng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực", đại diện Amcham cho biết.
Từ phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 2 năm qua, số doanh nghiệp phá sản bằng một nửa trong 2 thập kỷ. Tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh chỉ đạt 33% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 47% của năm 2011 và bằng một nửa so với tỷ lệ 70% của các năm trước đó.
Trước tình thế này, ông Lộc đề nghị ưu tiên hàng đầu là cải cách thể chế, cụ thể là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. "Đề nghị Chính phủ không bị cuốn vào các nhiệm vụ ngắn hạn. Cần đảo ngược quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn có những bước lùi trong những năm qua, đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh, minh bạch như doanh nghiệp niêm yết", ông Lộc đề xuất thẳng thắn.
Ngoài ra, ông Lộc cũng mạnh dạn đề nghị Chính phủ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất. Theo ông, nên ấn định tốc độ tăng lương tối thiểu 15% một năm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội Đặng Đức Dũng cho biết, niềm tin đang giảm sút nghiêm trọng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu chuyện hàng tồn kho đang được nhiều chuyên gia mổ xẻ và cho rằng là chướng ngại vật cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội lại cho rằng đó không phải là khó khăn nhất. "Tồn kho công nợ mới là quan trọng. Cứ doanh nghiệp lớn nợ doanh nghiệp nhỏ, thậm chí có số nợ từ các nguồn Chính phủ. Ngoài ra, tôi đề nghị cần xem lại số lượng doanh nghiệp thành lập mới bởi nhiều đơn vị được lập ra là để đảo nợ xấu của ngân hàng", đại diện HBA kiến nghị.
Nhật Minh - Thanh Lan