Hơn 6 tháng trước, hội nghị giữa kỳ của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra tại Hà Nội với tiếng nói thận trọng của các nhà đầu tư về tình hình vĩ mô, cũng như sự thúc giục ngày một mạnh mẽ đối với các cơ quan quản lý trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tại thời điểm đó, Việt Nam công bố tăng trưởng Quý một là 4%. Mặc dù lạm phát lúc đó đã dần được đẩy lùi nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những tín hiệu ngày một rõ ràng hơn về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp.
![]() |
Đại diện VBF cho biết sẽ gợi ý những giải pháp vĩ mô cụ thể hơn cho Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh |
Đến cuối năm, nền kinh tế dự báo tăng trưởng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6 – 6,5% đề ra trước đó. Tín hiệu tốt là làm phát sẽ chỉ ở mức 7,5% nhưng tình hình doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện nhiều. Tháng 11 vừa qua là lần đầu tiên mà các con số thống kê chính thức cho thấy số doanh nghiệp đóng cửa (5.870) đã vượt qua số đăng ký mới (5.800).
Trong bối cảnh đó, diễn đàn lần này được dự báo sẽ chào đón nhiều hơn những tiến nói thẳng thắn từ phía các hiệp hội doanh nghiệp. Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra đầu tuần trước tại Hà Nội, Chủ tịch VBF – Alain Cany đã dành nhiều thời gian để nhấn mạnh đến vấn đề sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, sau gần 30 năm đổi mới, trong khi sức sản xuất đã được cải thiện nhiều thì năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhiều tiến bộ, “ít chú ý đến đổi mới công nghệ, trình độ quản lý, trong khi lại chú trọng nhiều đến các mối quan hệ”.
Doanh nghiệp Việt Nam (cả nhà nước lẫn tư nhân) cũng được đánh giá là có sức chịu đựng kém hơn hẳn so với khu vực FDI trước những cú sốc của nền kinh tế do quá lệ thuộc vào vốn vay. Chia sẻ nhận định này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc cho rằng những doanh nghiệp có sức cạnh tranh nhất của nền kinh tế hiện nay lại nằm ở khu vực vừa và nhỏ, “độ lớn của doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với sức cạnh tranh”.
Tại diễn đàn lần này, ban tổ chức dự kiến có khoảng 15 tham luận của các tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế. Riêng về vấn đề vĩ mô, đại diện VBF cho biết cộng đồng doanh nghiệp sẽ đưa ra những gợi ý giải pháp trực tiếp cho Chính phủ, tập trung vào tái cơ cấu để ổn định kinh tế lâu dài, thay vì phải “ứng biến” với những giải pháp ngắn hạn của chính sách tài khóa hay tiền tệ.
Diễn đàn Doanh nghiệp 2012 cũng sẽ là lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức, vai trò điều phối chính bên phía Việt Nam sẽ được chuyển giao từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư sang cho VCCI. Với thay đổi này, các nhà tổ chức kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tiếng nói tích cực hơn tại diễn đàn quan trọng này. Sau khi bế mạc, một báo cáo của VBF sẽ được gửi tới Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), diễn ra vào ngày 10/12 tới, nơi Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm các khoản tài trợ ưu đãi (ODA) cho năm 2013.
Nhật Minh