Buổi làm việc đầu tiên của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia sáng 29/8. Ông cho biết từng nghiên cứu sâu về mô hình cơ quan thanh tra, giám sát tài chính ngân hàng của các nước trên thế giới. Nay theo sự phân công của Chính phủ, Phó thủ tướng Ninh sẽ theo dõi và chỉ đạo mảng công việc này. Ảnh: Nhật Minh |
Thông tin này được Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn đưa ra trong buổi tiếp Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tới thăm Ủy ban hôm nay.
Tình hình kinh tế thế giới đang trở nên bi quan hơn, đặc biệt sau khi Mỹ để tuột mức tín nhiệm hạng ưu, nguy cơ nối gót châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ công. Nếu như thời điểm 5/8, khi Standard & Poor's đánh tụt tín nhiệm Mỹ, các chuyên gia thế giới mới đặt cược khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với xác suất 30-40% thì gần đây tỷ lệ này đã lên tới 40-50%.
"Xác suất này cao không kém thời 2008. Các chuyên gia thế giới bi quan như vậy bởi kinh tế khó khăn nhưng dư địa chính sách của các chính phủ để ngăn nguy cơ suy thoái không còn nhiều", Chủ tịch Ủy ban Vũ Viết Ngoạn trao đổi với VnExpress.net.
Theo ông Ngoạn, vào thời điểm Ngân hàng Đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers tuyên bố phá sản sau 158 năm tồn tại, các chuyên gia thế giới dự báo xác suất suy thoái kinh tế thế giới là 51%. Và thực tế hàng loạt cuộc đổ vỡ quy mô lớn đã diễn ra trên thị trường tài chính, ngân hàng, đẩy thế giới vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930 mà cho tới tận hôm nay nhiều nước vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Trên thực tế, khi khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra tại Mỹ và châu Âu vào tháng 9/2008, Việt Nam gần như bị động và thậm chí chủ quan sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Hai tháng sau, các cơ quan của Chính phủ đã nhận thức rõ hơn về mối nguy này và bắt đầu điều chỉnh các mục tiêu vĩ mô. Đến đầu 2009, gói kích cầu chưa có tiền lệ đã được đưa ra nhằm hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn. Ảnh: Nhật Minh |
"Xây dựng kịch bản chính sách ứng phó nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban từ nay tới cuối năm. Chúng tôi đang bắt đầu triển khai và sớm trình Chính phủ trong tháng tới. Ngay cả trong trường hợp suy thoái không diễn ra, những khó khăn mà kinh tế thế giới phải đối mặt thời gian tới vẫn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải có kịch bản chính sách phù hợp với từng tình huống từ xấu nhất cho tới lạc quan nhất", ông Ngoạn nói.
Trong kế hoạch những tháng cuối năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng sẽ lập báo cáo đánh giá về kinh tế vĩ mô 2011, phân tích dự báo tình hình 2012. Trước mắt, ngay trong tháng 9, Ủy ban sẽ cung cấp thông tin, báo cáo nhanh về tình hình kinh tế thế giới, trong nước hằng ngày để phục vụ công tác điều hành và hoạch định chính sách vĩ mô của Chính phủ.
Trao đổi với các cán bộ ủy ban nhân lần đầu tiên làm việc trên cương vị mới, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đánh giá cao vai trò của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khi tham mưu cho công tác điều hành của Chính phủ. Phó thủ tướng cũng gợi ý Ủy ban nghiên cứu và trình Chính phủ đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ của ủy ban.
Một trong những khâu yếu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia hiện nay là thông tin thu thập từ các bộ, ngành, thị trường, các định chế tài chính và doanh nghiệp. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết sẽ tạo điều kiện để Ủy ban được hỗ trợ thông tin một cách tích cực hơn.
"Nếu chỉ đặt vấn đề phối hợp với các bộ thì chưa đủ. Nên chăng chúng ta phải có quy chế đàng hoàng, Thủ tướng ký duyệt, yêu cầu cung cấp thông tin như thế nào, nội dung gì, vào thời điểm nào. Ủy ban làm công tác tham mưu thì không thể không có thông tin để phân tích, nhận định và dự báo", Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Song Linh