Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hôm qua tiết lộ thông tin có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm nay và năm sau. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về kế hoạch và dự báo, ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?- Tại cuộc họp kéo dài cả ngày 1/11, Chính phủ đã bàn rất kỹ về chỉ tiêu tăng trưởng của 2008 và 2009. Tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn, và sẽ tác động tới một số lĩnh vực của Việt Nam như xuất khẩu, thu hút đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp. Thị trường tài chính cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Khả năng năm nay chúng ta vẫn có thể tăng trưởng 6,5-7% như đã báo cáo Quốc hội. Con số cụ thể thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6,7%. Hiện chưa đủ điều kiện để nói rằng nền kinh tế đã giảm phát. Song có những biểu hiện kinh tế tăng chậm lại và mầm mống của sự suy giảm. Vì vậy Chính phủ đang trình Quốc hội cho điều chỉnh lại. Trước đây mục tiêu tổng quát là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội. Nay chúng ta bỏ chữ ưu tiên vì lạm phát bước đầu đã được kiểm soát, và đổi thành tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý bền vững. Cuối ý này có thêm cụm từ ngăn ngừa suy giảm. Nhất thiết phải có thêm biện pháp ngăn ngừa suy giảm. Mục tiêu an sinh xã hội cũng điều chỉnh lại so với lần trình Quốc hội trước đây.
Chính phủ cũng xem xét lại khả năng tăng trưởng kinh tế trong 2009. Trước đây, Chính phủ trình 3 phương án, phương án một khoảng 7%. Phương án hai, nếu tốt hơn sẽ vào khoảng 7,5%. Phương án ba, nếu xấu đi khoảng 6,5%. Sau khi phân tích tình hình, thấy kinh tế thế giới ngày càng xấu đi, và khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn nhiều năm 2008, Chính phủ trình phương án tăng trưởng 6,5% cho năm tới.
- Như vậy đã có những thay đổi đáng kể trong việc đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với Việt Nam?
- Đã có sự thay đổi. Trước đây chúng ta đánh giá lạm phát là yếu tố hàng đầu, tác động lớn tới nền kinh tế trong 2008 và cả 2009. Giờ đây, khả năng giảm phát của nền kinh tế thế giới sẽ tác động tới Việt Nam. Do vậy phải điều chỉnh lại. Lạm phát không còn là nhiệm vụ ưu tiên, mà chúng ta chỉ tiếp tục kiềm chế để đảm bảo lạm phát không trở lại. Nhưng phải chú ý đặc biệt tới vấn đề phòng ngừa khả năng giảm phát của nền kinh tế.
- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan tham mưu của Chính phủ đã dự báo kém nên có phần bị động?
- Không thể nói bị động và cũng đừng nên quy trách nhiệm ai cả. Cả thế giới dự báo kém. Năm 2008 là năm khó lường, mọi sự kiện kinh tế đều khó lường. Các nhà kinh tế giỏi nhất của World Bank, ADB hay IMF và ngay cả ông Alan Greenspan, phù thủy nền kinh tế Mỹ, cũng nói rằng tất cả mọi việc đều rất bất ngờ và không thể dự báo nổi.
- Cách đây một vài tuần Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá là cuộc khủng hoảng tài chính tác động không nhiều tới Việt Nam. Nay tại sao lại có những thay đổi trong cách đánh giá để dẫn tới việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?
- Trước đây cuộc khủng hoảng mới dừng ở lĩnh vực tài chính, và ít ảnh hưởng tới Việt Nam. Nhưng bây giờ đã lan rộng thành khủng hoảng kinh tế. Một khi kinh tế toàn cầu suy giảm, những thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta như Mỹ, Nhật Bản, EU và một số khu vực có nguy cơ bị thu hẹp. Thu hút đầu tư, cả gián tiếp và trực tiếp của chúng ta cũng vì thế mà giảm. Cho nên chúng ta phải có sự điều chỉnh phù hợp và thích ứng với tình hình. Chúng tôi cho rằng tình hình kinh tế còn diễn biến phức tạp, cần thường xuyên theo dõi để có những đối sách phù hợp.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Điều chỉnh chính sách thuế một cách linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp".
"Giải pháp quan trọng nhất vẫn là điều hành lãi suất và tỷ giá. Lãi suất giảm sẽ tạo điều kiện sản xuất kinh doanh tốt hơn. Bên cạnh đó là các giải pháp tài chính. Phải điều hành chính sách thuế một cách linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Làm sao cho cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước nhưng phải trong phạm vi phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Có thể xem xét giãn thuế cho doanh nghiệp. Với những trường hợp quá khó khăn, Chính phủ đang xem xét trình Quốc hội có thể giảm một phần thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội được điều hành một cách linh hoạt. Nếu như tác động lớn quá, mạnh quá mức giảm phải lớn. Nếu tác động vừa phải thì mức giảm vừa phải. Thời gian giảm thuế cũng cần được cân nhắc một cách phù hợp".
- Chính phủ dự kiến đưa ra những biện pháp nào để ngăn ngừa suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu?- Phải kích thích sản xuất trong nước, hướng vào nội nhu cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước đây chúng ta chú trọng nhiều tới hoạt động xuất khẩu. Nhưng bây giờ cạnh xuất khẩu, phải chú ý nội nhu, kích thích tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời tìm mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay từ hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản, tạo điều kiện cho các ngân hàng hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay.
Trong trường hợp khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng lớn, sẽ tính tới chuyện trình Quốc hội cho giảm hoặc miễn thuế ở một số lĩnh vực.
- Trong bối cảnh khó khăn như vậy, chính sách tài khóa sẽ thay đổi như thế nào?
- Chúng ta sẽ thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn, đặc biệt là chi tiêu ngân sách nhà nước, kể cả ở khu vực tự lực. Chi đầu tư vốn đầu tư cũng sẽ giảm đi cùng với sự suy giảm của ngân sách, do nguồn thu giảm. Sẽ cắt giảm toàn bộ, kể cả những khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc mảng kinh doanh. Chẳng hạn hỗ trợ Tổng công ty Dầu khí sẽ giảm đi vì nguồn thu từ dầu thô giảm. Dự tính chi ngân sách và chi đầu tư sẽ giảm khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước đang làm một số công trình hạ tầng phục vụ an sinh xã hội, phục vụ đời sống của người dân như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vẫn phải hỗ trợ để làm cảng biển, cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt. Nhưng chi đầu tư cho các công trình này sẽ được bù đắp từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Sẽ chú ý hơn nữa tới giải ngân, làm sao giải ngân nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ tốt hơn. Có như vậy mới tạo dựng cơ sở hạ tầng, vừa tạo công ăn việc làm đồng thời tiêu thụ một số mặt hàng sản xuất trong nước như sắt thép, xi măng, đá cát sỏi, qua đó kích cầu nội nhu.
- Ông có nói đầu tư nước ngoài của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu. Vậy cụ thể những nguy cơ nào có thể xảy đến với thu hút cũng như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài?
- Hiện nay các nhà đầu tư vẫn cam kết nhiều, vì họ vẫn tin tưởng vào tương lai và triển vọng đi lên của nền kinh tế Việt Nam. Họ cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng tới nền kinh tế Việt Nam chỉ ở mức độ nhất định và trong thời gian nhanh chóng có thể khắc phục được.
Khó khăn trước mắt có thể là giải ngân của năm 2009. Đang có xu hướng một số công ty mẹ ở chính quốc yêu cầu các công ty đầu tư sang ta phải giảm đầu tư để rút vốn về, tháo gỡ khó khăn cho đại bản doanh của họ.
Song Linh