Hoạt động mua bán, chuyển nhượng cổ phần manh nha từ giữa năm 2012 và đang ngày càng sôi động, với hàng loạt thương vụ giá trị lớn. Đình đám và mới nhất (27/12) phải kể đến hợp đồng bán 20% cổ phần của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) cho đối tác Nhật bản, Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ với trị giá lên tới 15.465 tỷ đồng, tương đương 743 triệu USD. Đây được xem là giao dịch mua bán sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành tài chính ngân hàng.
Chủ tịch Vietinbankk Phạm Huy Hùng cho biết đối tác Nhật đã chi 24.000 đồng một cổ phiếu, trong khi giá đóng cửa trước hôm công bố thương vụ này (26/12) là 20.300 đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 3/1, giá CTG đạt 20.900 đồng. Đại diện đối tác ngoại khẳng định, Vietinbank là sự lựa chọn “sáng giá và hợp lý nhất”, đồng thời tỏ rõ quan điểm không có ý định đầu tư vào ngân hàng nào khác ở Việt Nam.
Doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng mua cổ phiếu nhiều công ty giá cao hơn từ 30% đến 50% so với thị giá. Ảnh: Bạch Hường |
Một thương vụ khác cũng từng gây chú ý dư luận liên quan đến “ông lớn” trong lĩnh vực thực phẩm Việt Nam là Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC). Hồi tháng 9, 10% cổ phần của Kinh Đô, tương đương 14 triệu đơn vị đã sang tay cho Ezaki Glico, đối tác Nhật Bản với giá đắt gấp 1,7 lần thị giá KDC lúc đó. Chủ trương công ty cho rằng, chuyện chào bán cổ phần cho đối tác ngoại cũng là cách để nâng tầm doanh nghiệp lên quy mô quốc tế.
Từng thâu tóm thành công nhà máy kem Wall từ tay Unilver, Kinh Đô vẫn rất thận trọng với các kế hoạch bán cổ phiếu. Thương vụ này giúp Kinh Đô thu về 700 tỷ đồng. Trong quan hệ hợp tác, Kinh Đô sẽ là nhà phân phối độc quyền cho một số nhãn hàng của Ezaki Glico tại Việt Nam. Sau cuộc mua bán trên, Tổng giám đốc Kinh Đô, ông Trần Lệ Nguyên cho biết doanh nghiệp không có ý định bán thêm cổ phần KDC cho đối tác nào khác.
Việc khối ngoại tích cực đưa nhiều doanh nghiệp Việt vào tầm ngắm, thậm chí không cần mặc cả giá, sẵn lòng trả cao gấp nhiều lần thị giá thực để mua cổ phần còn khiến nhiều công ty nội địa khác chùn bước, quay đầu cẩn trọng tính toán lại. Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco, OTC) dù đã có kế hoạch bán thêm cổ phần theo đề nghị của Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S, lãnh đạo và các cổ đông công ty vẫn bối rối.
Carlsberg Breweries A/S hiện nắm hơn 16% vốn Habeco và vẫn muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 30%. Theo một số công ty chứng khoán, giá giao dịch cổ phiếu Habeco dao động mức 25.000-28.000 đồng, Carlberg Breweries A/S cho biết sẵn sàng mua ở mức cao hơn gấp 2 lần, đạt 50.015 đồng một cổ phiếu. Nếu thương vụ này thành công, Habeco sẽ thu về khoảng 1.507 tỷ đồng. Tuy nhiên, những mức giá hấp dẫn vẫn chưa đủ làm an lòng lãnh đạo cùng các cổ đông khác tại Habeco.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% tại Habeco, Carlsberg Breweries A/S sẽ có cơ hội đứng ở vị trí số 1, thống lĩnh toàn bộ thị trường bia Việt Nam. Hiện Carlberst Breweries A/S đã thâu tóm thành công Bia Huế và sở hữu 100% cổ phần, đồng thời nắm 60% cổ phần tại Bia Đông Nam Á (Halida), 55% cổ phần Bia Hà Nội – Vũng Tàu và 30% cổ phần tại Bia Hạ Long.
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều công ty niêm yết cũng tích cực mở cửa tìm vốn ngoại. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao phủ chủ yếu lên các doanh nghiệp. Ngoại trừ Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) mạnh tay bán gần 49% cổ phần cho khối ngoại và tuyên bố muốn rời sàn chứng khoán, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vẫn đang lưỡng lự trước nhiều sự lựa chọn.
Trước đó, Thủy sản Minh Phú từng dự kiến chiêu mộ đối tác ngoại thông qua việc bán 30 triệu cổ phần. Tuy nhiên, mới đây công ty đã từ chối hợp tác với một đối tác ngoại đến từ Thái Lan là Công ty Charoen Pokpand Foods (CP Foods) dù giá thỏa thuận lên tới 50.000 đồng một cổ phiếu, gần gấp đôi thị giá MPC hiện tại.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Người công bố thông tin tại Thủy sản Minh Phú từng chia sẻ với VnExpress.net về lý do từ chối hợp tác: “Một số yêu cầu họ đòi theo quan điểm của riêng họ, tuy nhiên Thủy sản Minh Phú lại thấy có những điểm không phù hợp với công ty. Bên cạnh đó, các cổ đông và khách hàng của Thủy sản Minh Phú cũng lên tiếng phản đối việc hợp tác với đối tác chiến lược này."
Đại diện Thủy sản Minh Phú cho biết, chiến lược công ty không chỉ dừng ở trong nước mà muốn vươn tầm quốc tế, tìm kiếm cơ hội trở thành công đa quốc gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Đồng thời, Minh Phú cũng chủ trương chọn nhà đầu tư để giúp công ty phát triển mạnh trong tương lai, tận dụng hết các cơ hội và tiềm năng của doanh nghiệp.
Cho rằng đây là việc hết sức bình thường khi doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phiếu với mức cao hơn thị giá, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ Sài gòn Hà Nội (SHF) phân tích: "Từ xưa đến nay chuyện này vẫn thế. Chẳng ai tự nhiên lại bán rẻ hơn thị giá. Hơn nữa, đây là mua lô lớn, không thể mua trên sàn được, phải chấp nhận một giá cao cấp hơn. Lúc nào cũng phải trả như thế. Kể cả lúc thị trường lên hay xuống cũng phải trả hơn khoảng 30% so với giá thị trường".
"Nói chung là việc mua bán cổ phiếu này không phải tác nhân có thể gây biến động giá trên thị trường cổ phiếu. Vì bây giờ nước mình quen với việc tây trả cao hơn khoảng 30% rồi. Nó không mang tính hỗ trợ nhiều như ngày xưa. Chứng khoán bây giờ lên xuống chủ yếu do thông tin vĩ mô và yếu tố thị trường", ông Đức nói.
Về mục đích mua cổ phiếu giá cao, ngoài nguyên nhân tất yếu là kiếm lợi, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích, nhà đầu tư nước ngoài có 2 trường hợp khi muốn thâm nhập vào thị trường nào đó. Thứ nhất, họ mua cổ phiếu công ty chiếm quyền sở hữu rồi vực dậy vì nhận thấy có tiềm năng phát triển. Hoặc, thứ hai, họ mua cổ phiếu doanh nghiệp để phá hoại, giảm bớt đối thủ cạnh tranh trên thị trường đang xâm nhập.
"Trường hợp thứ 2 trên thế giới có rất phổ biến. Có nhiều khi họ thâu tóm để phát triển doanh nghiệp ấy ra, có nhiều khi thâu tóm để diệt bớt đối thủ cạnh tranh trên thị trường đó. Cái đó thì tùy theo chiến lược của từng tập đoàn. Hiện nay ở Việt Nam nguy cơ thâu tóm rất lớn, bởi cổ phiếu hiện có giá rất rẻ. Không phải là do chúng ta không có vốn, mà chủ yếu do thiếu vốn lưu động", ông Thành nói.
Tường Vi - Hàn Phi