Đi rong trên phố, mỗi ngày, anh Đỗ Văn Thành (ở Khoái Châu, Hưng Yên) bán được khoảng 50 kg khoai nướng và 30 bắp ngô luộc. Anh cho biết, thường thì khoai lang nướng có giá khoảng 3.000 đồng một lạng (30.000 đồng một kg), còn ngô luộc thì 4.000-5.000 đồng một bắp.
Những ngày mùa đông, lượng bán ra tăng vọt, số người kinh doanh dịch vụ này cũng tăng lên nên nguồn hàng bấp bênh. Do đó, giá bán ra cũng bị đẩy lên, có khi lên tới 50.000 đồng một kg khoai lang luộc, 6.000 đồng một bắp ngô...
"Đắt gần bằng thịt", là nhận định của đa số khách hàng của những xe bán khoai, sắn rong kiểu này. Thậm chí, nếu nguồn cung ổn định, giá thịt cá còn có thể giảm đi. Nhưng với khoai, sắn bán rong trên phố, mức giá vẫn ổn định và thường chỉ tăng chứ không giảm.
Bán khoảng 20 kg sắn dây luộc, mỗi ngày, người bán thu lãi khoảng 400.000 đồng. Ảnh: Tuệ Minh |
Chị bảo, ở quê, khoai hay ngô sau khi thu hoạch sẽ được phân loại riêng. Loại một, củ to, ngon thì bán cùng lắm được vài nghìn đồng một kg, còn loại hai, ba thì để ăn dần hoặc làm thức ăn cho gia súc. Nhưng lên phố, những mặt hàng này trở thành hàng "hot".
Chị Huyền, bán hàng ngô nướng cạnh cầu vượt trên đường Xuân Thủy tiết lộ, lấy hàng tại chợ Xuân Đỉnh, giá mỗi bắp ngô chỉ khoảng 1.500 đồng, có thời điểm rẻ chỉ khoảng 800 đến 1.000 đồng; khoai lang loại to, một kg giá chỉ khoảng 10.000 đồng. Người bán cho biết, mỗi cân khoai được khoảng 5 củ, mỗi củ 2 lạng. Bán ra 4.000 đồng một lạng cũng đã được 40.000 đồng. Trừ mọi chi phí như than củi, lãi ít nhất 15.000 đồng một kg. Còn ngô, với giá gốc khoảng 1.500 đồng một bắp, sau khi trừ chi phí, chị cũng lãi được khoảng 20.000 đồng cho 10 bắp.
"Đắt gần như thịt" là nhận định của nhiều người về những loại nông sản bán rong trên phố. Mặt hàng này thu hút khách, đặc biệt là chị em làm công sở. Ảnh: Tuệ Minh |
Còn chị Nguyễn Thị Hằng (Sơn Tây, Hà Nội) chuyên gánh hàng sắn dây luộc bán ở khu vực phố cổ, chia sẻ: Mức lãi thu được tại các phố này gấp nhiều lần so với bán ở cổng trường học. Trên phố, mặt hàng được nhiều người ưa thích là sắn dây luộc. Giá bán một kg sắn đã chế biến lên tới 40.000 đến 50.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá thu mua tại gốc của loại nông sản này cũng chỉ khoảng 8.000 đồng một kg.
Chị này tiết lộ, nhập hàng từ Kinh Môn (Hải Dương), giá sắn chỉ khoảng 7.000 đồng một kg mà củ to, đều và không bị sượng khi luộc chín. Mỗi lần lấy hàng, chị nhập khoảng 500 kg, để bán dần. Do đó, ngay cả khi đã tính hao hụt, mỗi kg sắn luộc chín, chị cũng lãi ít nhất 25.000 đồng. Mỗi ngày chỉ cần bán được 20 kg, chị cũng đã thu lời hơn 400.000 đồng trong khi mức bán ngày trung bình là trên 25 kg.
Tuy nhiên, những người bán khoai sắn rong cũng có những nỗi khổ riêng. Chị Huyền than thở, từ ngày làm nghề bán khoai, sắn rong trên phố, đồng hồ sinh học cũng bị đảo lộn. Nguyên nhân là thời gian hàng bán chạy chủ yếu từ 16h chiều đến 23h đêm, có khi đến 2-3h sáng hôm sau. Lúc người khác ngủ thì chị rong ruổi ngoài đường, khi họ đi làm thì chị lại ngủ.
"Nhìn bên ngoài thì số tiền chúng tôi kiếm được cũng nhiều, nhưng thực tế thì không phải vậy. Số tiền dành được cũng chẳng bao nhiêu", chị tâm sự. Theo lý giải của chị, những mặt hàng này chỉ bán được trong thời điểm nhất định như những ngày mùa đông, mưa rét, còn lại thì cũng không nhiều nên mức thu nhập 500.000 đồng mỗi ngày không đều.
Trong khi đó, hầu hết những người bán rong hầu hết đều là dân ngoại tỉnh. Lên Hà Nội, thuê nhà trọ, mỗi tháng, một người cũng mất ít nhất 800.000 đồng. Thêm chi phí sinh hoạt, ăn ở, thì việc kiếm được 500.000 đồng một ngày nhưng không đều đặn khiến việc trang trải cho cuộc sống ở thủ đô cũng không dư dả là bao, có người còn không đủ.
Tuệ Minh