Bán dưa cà cũng có thể mang lại thu nhập khá cho tiểu thương. Ảnh: Xuân Ngọc |
Cứ mỗi buổi cơm trưa và tối, các hàng bán dưa cà, hành muối trên khắp ngõ xóm ở Hà Nội lại đông khách. Anh Thái, chủ một quầy dưa cà trong chợ Cầu Giấy cho biết thông thường, để ăn trong bữa họ mua 2.000 dưa hoặc 5.000 hành muối. Những nhà mua dưa chua về nấu canh thì có thể mua tới 10.000 đồng.
Số tiền từng lần không nhiều nhưng hàng chục, hàng trăm khách mỗi ngày cũng mang lại khoản thu không nhỏ cho chủ cửa hàng. Chị Ngọc Anh, bán dưa cà trong ngõ Huế tiết lộ có những ngày cộng cả vốn và lãi, anh chị cũng thu được gần 500.000 đồng. “Trung bình mỗi ngày cũng bỏ túi được 2 đến 3 trăm nghìn. Những hôm lạnh trời, nhiều người mua dưa về nấu canh hay đợt ra Tết vừa rồi, mọi người mua hành muối về ăn với bánh chưng nhiều thì cũng được tới 500.000 đồng mỗi ngày”, chị không giấu giếm.
Mấy bình dưa, cà thế này cũng giúp chị Ngọc Anh có thu nhập ổn định. Ảnh: Xuân Ngọc |
Cũng tương tự như vậy, trưa đến, từ 10 giờ 30 phút đến gần 14 giờ, các gánh bún đậu mắm tôm, đều nườm nượp khách. Mỗi xuất 12.000-15.000 đồng, thường tập trung ở vỉa hè những khu vực có nhiều cơ quan, bệnh viện.
Các quán bún ốc thì bán với giá nhỉnh hơn, 15.000-20.000 đồng mỗi bát và thường bán vào buổi sáng và trưa. Chủ cửa hàng bún ốc đậu gần trường THPT Thăng Long cung cấp trung bình mỗi ngày bác bán được từ 80 đến hơn 100 bát.
Theo tìm hiểu của VnExpress, các mặt hàng trên đều có giá thành khá rẻ so với thực phẩm trong thời bão giá như hiện nay nên được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa. Lãi thu về của mỗi thành phẩm không cao, chỉ 1.000-10.000 đồng nhưng vẫn thu hút rất nhiều lao động tham gia do lãi ít nhưng thu nhập cả tháng lại khá lớn.
Như muối 5 cân cải bẹ: 25.000 đồng, thêm một chút muối, nước và 5.000 hành, chủ hàng có thể bán được 30 bát dưa loại 2.000 đồng. Cứ theo đó, chủ kinh doanh bán đắt khách có thể lãi được hơn 100.000 mỗi ngày và thu nhập cả tháng không thấp hơn 4 triệu đồng.
Các hàng quán bún đậu mắm tôm thu hút nhiều khách mỗi buổi trưa. Ảnh: Xuân Ngọc |
Còn các gánh bún đậu mắm tôm thì còn lãi hơn như vậy nhiều lần. Giá thành mỗi xuất chỉ vào khoảng 7.000-8.000 đồng, gồm đậu phụ, mắm tôm, dấm, quất, ớt, chút rau kinh giới và bún nắm. Chủ hàng bán với giá 12.000 đồng, như vậy chỉ cần 100 xuất mỗi ngày, cũng lãi tới 400.000 đồng và cả tháng chừng 10 triệu đồng.
Tương tự, mỗi cân ốc giá từ 20.000-40.000 đồng tùy theo ốc nhỏ hay ốc to, chủ hàng có thể chia vào 10 bát bún. Sau khi trừ chi phí nước dùng, hành rau, đậu và giò, mỗi bát bán với giá 15.000-20.000, tiểu thương cũng đã có thể lãi một nửa trong đó.
Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, do lãi ít nên những quán hàng này muốn kiếm được thì phải thu hút lượng khách lớn. Chị Mai, người có thâm niêm 5 năm bán bún đậu mắm tôm chia sẻ muốn bán được nhiều hàng phải chọn những chỗ đông người ăn, bán hàng cũng phải để ý sở thích từng người, như khách ăn một lần thì lần sau là phải nhớ họ thích ăn đậu già hay non, đặc biệt nhìn chai mắm tôm lúc nào cũng phải sạch sẽ mới được.
Chị Hường ở Hoàng Mai mới bán bún ốc sau Tết, nhưng giờ đã có một lượng khách đông đảo. Ngày nào bán chừng 50-60 kg bún, chị cầm chắc lãi 1,5-2 triệu đồng.
Còn bác Quý (bán dưa ở phố Quỳnh Lôi) cho rằng quán nhà bác luôn đông khách chục năm nay bởi bác muối dưa bằng nước đun sôi để nguội. “Dưa cà muối bằng nước đun sôi để nguội thì nước sẽ có màu trong vắt”, bác Quý mách nước.
Do bán rong nên nhiều người mất đáng kể số lượng khách quen. Ảnh: Xuân Ngọc |
Tuy nhiên, để có được thu nhập tương đối trong những nghề lấy công làm lãi kiểu này, tiểu thương cũng phải vô cùng vất vả. Chị Mai tâm sự, nhiều hôm vừa bán, vừa rán đậu mà hơi lò than bốc lên bỏng rát cả mặt, cả tay. Nhưng theo chị, khổ nhất là khi đã bán được quen khách ở một điểm lại bị chủ nhà khu vực đó đuổi đi, không cho ngồi nhờ vỉa hè nữa, đến nơi khác đành tạo mỗi khách quen từ đầu.
“Bán được ngày nào hay ngày đó chứ ráo mồ hôi là ráo tiền. Cũng nhiều khi tính ra thì thu nhập còn cao hơn lương giáo viên, bác sĩ nhưng mình đã chẳng có địa vị xã hội gì, về già cũng không có chế độ nhà nước nên có học vẫn hơn”, chị Mai nói tiếp.
Còn chị Hường (bán bún ốc ở Hoàng Mai) phải dậy từ 4-5h sáng chuẩn bị bày hàng quán, rồi bán miệt mài tới 5-6h chiều mới dọn về. Ăn vội vàng bát cơm tối, rồi chị lại xoay sở làm sẵn nguyên liệu cho buổi bán hàng hôm sau.
Xuân Ngọc