Theo văn bản khẩn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp (gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính) Vinapco cho biết, tổng số nợ mua nhiên liệu bay của Indochina Airlines đã lên tới 30 tỷ đồng. Nếu tính đến hết ngày 31/3, phần nợ quá hạn là 344.686 USD và 7,29 tỷ đồng, chưa kể số liệu cập nhật đầu tháng 4.
Vinapco cho biết, công ty đã ký 2 hợp đồng cung ứng nhiên liệu bay cho Indochina Airlines với các điều khoản tương tự như các hãng hàng không nội địa khác. Thế nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Indochina Airlines liên tục vi phạm điều khoản thanh toán, nợ đọng kéo dài.
Lãnh đạo của Vinapco than thở: “Chúng tôi là nạn nhân của các hãng hàng không, nhất là khi có quy định vẫn phải bán hàng cho dù khách không thanh toán hết nợ”.
Tổng giám đốc Indochina Airlines - Hà Hùng Dũng thì cho rằng không có chuyện hãng nợ dây dưa kéo dài. Mỗi tháng, Indochina Airlines mua của Vinapco khoảng 20 tỷ đồng nhiên liệu bay. Tiền “gối đầu” trả cho Vinapco tương đương với số tiền nhiên liệu dùng trong một tháng, kể cả trong trường hợp không tra nạp. Do đó, tổng số tiền Indochina Airlines nợ Vinapco chỉ hơn 3 tỷ đồng chứ không đến mức 30 tỷ đồng như phía đơn vị cung ứng nhiên liệu công bố.
Indochina hiện có 4 điểm đi/đến. Ảnh: PV |
Cục Hàng không VN cho rằng, trong hợp đồng kinh tế bao giờ cũng quy định quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên nếu vi phạm hợp đồng. Bên A ngừng cung cấp hàng cho bên B khi bên B không thanh toán tiền đúng hạn là hoàn toàn hợp lý, nhưng khó có thể áp dụng với lĩnh vực hàng không. Bởi xăng dầu hàng không vẫn chỉ một đầu mối cung cấp, và thiếu nó sẽ ảnh hưởng tới an toàn bay, đảm bảo giao thông…
Trong thực tế, hợp đồng giữa Vinapco và Indochina cũng quy định điều khoản đình chỉ cung ứng nhiên liệu bay nếu không thanh toán đúng hạn nhưng Vinapco không thể vận dụng vì nếu ngừng cấp xăng sẽ ảnh hưởng đến các chuyến bay.
Trên thực tế, rắc rối cũng đã xảy ra với Vinapco cách đây một năm khi công ty này đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) do không đạt được thỏa thuận về giá, Pacific Airlines không thanh toán tiền. Hậu quả là hàng loạt chuyến bay bị hủy. Ngay lập tức, Chính phủ đã yêu cầu Vinapco phải nối lại việc cung cấp nhiên liệu và không được để tình trạng này lặp lại vì bất kỳ lý do gì. Để phân xử đúng, sai, Hội đồng Cạnh tranh quốc gia (Cục Cạnh tranh, Bộ Công Thương) đã vào cuộc điều tra và dự kiến sẽ phân xử vào ngày 14/4 tới.
Indochina là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 11 năm ngoái. Hiện hãng có 4 điểm đi (đến) là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, bay tất cả các ngày trong tuần.
Hồng Anh