Tổng cộng trong sáng 1/4, có 30 chuyến bay với 5.100 hành khách của Pacific Airlines bị hủy chuyến vì máy bay không được tiếp nhiên liệu.
Sáng sớm ngày 1/4, lãnh đạo Hãng hàng không này có công văn khẩn đề nghị Chính phủ, Liên bộ Tài chính - Giao thông Vận tải và Cục hàng không Việt Nam “cứu nguy” cho các chuyến bay của hãng. Công ty Xăng dầu Hàng không Vinapco đơn phương dừng cung cấp dầu cho hãng nãy, khiến cho hàng nghìn khách hàng phải chịu cảnh “ăn chực nằm chờ” vì chuyến bay bị hủy.
Xăng dầu đang chiếm tới 50-60% chi phí của Pacific Airlines. Ảnh: H.H. |
Theo trình bày của Pacific Airlines, cách đây 3 tháng (cuối tháng 12/2007), phía Vinapco đã có đợt điều chỉnh giá bán áp dụng cho năm 2008 từ 565.000 đồng một tấn lên 583.000 đồng, và hãng đã chấp nhận. Mới đây Vinapco lại có công văn đề nghị tăng giá bán lên 750.000 đồng một tấn. Giá này cao hơn mức 565.000 đồng mà Vinapco áp dụng cho Vietnam Airlines, nên Pacific Airlines từ chối.
Phía Pacific Airlines cho rằng mức giá Vinapco đưa ra quá cao, trong khi xăng dầu đang chiếm tới 50-60% chi phí, nếu hãng chấp nhận sẽ rơi vào cảnh lỗ nặng.
Tổng giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam cho rằng, trong lúc hai bên chưa đạt được thỏa thuận về giá thì việc Vinapco đơn phương cắt nguồn nhiên liệu khiến hàng loạt chuyến bay của hãng bị hủy là “không thể chấp nhận”. Vinapco đã vi phạm quy định của Chính phủ về việc đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp hàng không khi đưa ra mức giá cho các chuyến bay của Pacific Airlines cao hơn so với Vietnam Airlines.
Mỗi chuyến bay bị hủy sẽ kéo theo hàng loạt chuyến khác bị hoãn, thiệt hại có thể lên hàng tỷ đồng. Nhưng nhiều hơn thế là những bất tiện, thiệt hại mà hàng nghìn hành khách của hãng phải chịu, mà không tính ra được thành tiền.
"Chúng tôi xin lỗi tất cả hành khách vì đã không kiểm soát được tình hình. Chúng tôi không có ý định kiện Vinapco vì đó không phải là cách làm tích cực. Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính tố chức hiệp thương theo Nghị định 170", ông Nam nói.
Xăng dầu máy bay hiện đang là dịch vụ độc quyền, ở Việt Nam không có ai ngoài Vinapco cung cấp. Vì vậy, nếu các bên không thỏa thuận được thì sẽ tổ chức hợp thương thông qua Bộ Tài chính theo Nghị định 170/2003/NĐ-CP thực hiện Pháp lệnh Giá. Theo ông Nam đó mới là cách giải quyết, chứ không phải là ngừng cung cấp nhiên liệu và không thực hiện hợp đồng mua bán đã ký và đang có hiệu lực.
Cuối buổi chiều qua (2/4) phía Vinapco đã có văn bản thông báo tiếp tục nạp nhiên liệu cho các chuyến bay của Pacific Airlines. Đồng thời nhà cung cấp này kiến nghị, hai bên sẽ có cuộc thương lượng trực tiếp. Nếu không đạt được thỏa thuận sẽ nhờ Bộ Tài chính đứng ra "hạ hồi phân giải".
Trao đổi với báo giới ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco khẳng định: "Chúng tôi không đơn phương ngừng cung cấp xăng dầu cho Pacific Airlines mà đã có văn bản thông báo từ trước".
Ông Phúc cho biết hôm 28/3, Vinapco có văn bản đề nghị Pacific Airlines xem xét lại bảng phân tích chi phí thực tế để có thể chấp thuận mức giá 750.000 đồng trước ngày 31/3. Nếu không trả lời, Vinapco sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho mọi chuyến bay của hãng. "Đến 17h ngày 31/3 khi không thấy Pacific Airlines trả lời, chúng tôi buộc phải ngừng cung cấp nhiên liệu với các chuyến bay cất cánh từ ngày 1/4", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, phía Pacific Airlines đã không đáp ứng điều kiện mà Vinapco đưa ra, nên việc ngừng cung cấp xăng dầu cho hãng chỉ là giải pháp tự vệ nhằm bảo đảm nguồn vốn cho Nhà nước.
Ông cho hay trong hợp đồng ký hồi cuối tháng 12/2007, Vinapco áp dụng giá bán chung cho cả Vietnam Airlines và Pacific Airlines là 593.000 đồng một tấn, khi đó giá dầu thế giới vào khoảng 76,2 USD một thùng. Hiện giá nhiên liệu thuế giới đã tăng tới hơn 100 USD nên Vinapco phải điều chỉnh giá bán lên 750.000 đồng một tấn, nếu không sẽ bị lỗ.
Giải thích về việc tại sao Vinapco chỉ tăng giá bán đối với Pacific Airlines, ông Phúc nói rằng Vietnam Airlines là khách hàng lâu năm và sử dụng nhiên liệu lớn gấp 10-12 lần Pacific Airlines. "Chúng tôi có quyền ưu tiên cho khách hàng mua nhiều, trong trường hợp này Pacific Airlines đòi quyền bình đẳng là không hợp lý", ông Phúc nói.
Giới chuyên môn nhìn nhận cơ chế "thuận mua vừa bán" chỉ có thể được thực hiện trong bối cảnh thị trường đã có sự cạnh tranh. Còn trong trường hợp kinh doanh xăng dầu hàng không đang ở thế độc quyền, việc Vinapco dùng giá để ép Pacific Airlines là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Vinapco tuy đã được tách ra làm nhiệm vụ kinh doanh, song họ vẫn là đơn vị "con" của Vietnam Airlines. Do vậy, việc tăng giá bán với riêng Pacific Airlines sẽ khiến cho hãng hàng không vừa ra khỏi bờ vực phá sản này khó mà cạnh tranh được với "ông lớn" Vietnam Airlines.
Trao đổi với VnExpress Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, việc Vinapco đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu sẽ ảnh hưởng không chỉ Pacific Airlines mà còn tới hành khách, đặc biệt sẽ gây xáo trộn an ninh và hoạt động chung của cảng hàng không. Nếu không thương lượng được giá cung cấp dịch vụ xăng dầu, hai bên có quyền kiến nghị Bộ Tài chính để tổ chức hiệp thương theo quy định.
Theo một luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội, nếu xét theo Luật Cạnh tranh thì Vinapco đang có vị trí thống lĩnh thị trường, việc Vinapco đơn phương cung cấp xăng dầu cho Pacific Airlines ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng. Vấn đề không dừng lại ở chuyện tranh chấp giữa các doanh nghiệp mà là lợi ích chung của hàng nghìn hành khách phải chịu cảnh "ăn chực nằm chờ" vì chuyến bay bị hủy.
Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh: Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây: |
Hồng Anh