Vợ chồng anh Lâm lấy nhau đã được 6 năm nhưng vẫn chưa sinh con. Cách đây một tháng, chị Phương vợ anh "soi" âm ở một thầy tận Thủy Nguyên, Hải Phòng thì được phán: "Trước đây anh chị đã bỏ đi 2 mạng, trong đó một mạng đã thành người nên giờ không thể có con nếu không làm lễ cầu siêu cho hai mạng đó". Nghe vậy, hai vợ chồng chết lặng.
Hồi sinh viên, chị Phương và bạn trai (là chồng bây giờ) sống với nhau và bỏ thai hai lần vì chưa có điều kiện làm đám cưới. Lần đầu bỏ, thai đã gần 4 tháng.
"Không ngờ lại có hậu quả như thế này. Thầy bảo hai cháu đáng lẽ được làm người nhưng bị từ chối. Mình phải làm lễ cầu siêu cho cháu để các cháu siêu thoát và có cơ hội đầu thai, bố mẹ cũng thanh thản", chị chia sẻ.
![]() |
Danh sách đồ cầu siêu dài, nhưng gia chủ ít ai mua thiếu. Ảnh: Hoàng Hà |
Đặt hàng những món đồ lạ thì không thể chỉ đến phố Hàng Mã (nơi tập trung đồ vàng hương cúng lễ của Hà Nội). Thường thì các gia đình sẽ được thầy chỉ cho nơi làm được những món đồ đúng yêu cầu để làm lễ.
Danh sách những món đồ vàng mã mà thầy dặn vợ chồng anh chị mua sắm dài đến 4 trang giấy A4. Ngoài những món đồ thông thường như giấy, sớ, quần áo, giầy dép, ngựa,… thì còn có nôi điện, đồ chơi, sữa, xe đẩy,… Những đồ này phải đặt ở Song Hồ họ mới làm được nên chị Phương phải lặn lội về tận đó để hỏi người làm.
Những đồ vàng mã khó, lạ, độc, làm một lần duy nhất cho một gia đình thì chỉ vài người ở thôn Đạo Tú, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh mới làm được. Trong số những gia đình đó, có nhà ông Nguyễn Thiện Thoái. Từ ngày 20 tháng 6 âm lịch gia đình ông đã kín hết lịch đặt hàng. Ông cũng chỉ nhận làm những đồ đặt không theo mẫu có sẵn. Mỗi gia đình tìm đến ông đặt hàng, ít nhất cũng phải mất từ 10 triệu đồng trở lên mới sắm được đồ vàng mã về làm lễ. Thế mà nhiều đơn hàng ông phải từ chối và giới thiệu đến gia đình khác vì làm không xuể.
Làm những sản phẩm "độc" mất rất nhiều thời gian, lại ít người làm được. Những người đi đặt hàng cũng rất cầu kỳ. Để có được một mẫu nôi điện, nhìn thì đơn giản nhưng các nghệ nhân phải đi tham khảo sản phẩm thực tế (cái đẹp nhất, thời thượng nhất; lấy hình ảnh, mẫu mã; về tư duy, thiết kế để làm trên tre, giấy; làm sản phẩm). Như đơn hàng của gia đình chị Phương có thể mất cả tháng mới làm xong.
Tuy phải chờ đợi lâu, chạy đi chạy lại nhiều, tốn kém lắm nhưng không gia đình nào kêu ca hay bỏ cuộc. "Mình thành tâm, lo đầy đủ những nhu cầu của người đã mất để họ cảm thấy thỏa mái ở cõi âm thì mình cõi trần mới thỏa mái được", chị Phương tâm sự.
Theo quan niệm, những ngày tháng 7, các gia đình sẽ mua đồ vàng mã làm lễ cho người thân đã khuất. Những ngày 23 tháng chạp hoặc rằm tháng giêng, các gia đình chủ yếu làm lễ cúng thần, thánh, phật,… Chính vì thế, thị trường vàng mã tháng 7 sôi động như một "đại siêu thị" bán đồ như thật cho người âm.
Người chồng quá cố của chị Nga (Hà Nội) trước đây làm kinh doanh lớn. Chị đi sắm cho chồng rất nhiều tiện nghi: iPhone 4S, Samsung Galaxy S III, iPad, ôtô,… Nhưng lạ hơn nữa, chị còn sắm cho chồng thêm một cô gái xinh đẹp với tiêu chuẩn: môi đỏ, dáng xinh, cao, mắt và tóc đẹp, ăn mặc sành điệu.
"Trước đây chồng mình làm kinh doanh, giờ mất rồi thì anh ấy cũng phải dùng những thứ xứng tầm với mình. Mình mua cho anh ấy một cô gái hình nhân để anh ấy có người bầu bạn, không cô đơn", chị kể.
Theo khảo sát, năm nay các mặt hàng mã, đặc biệt là các hàng VIP như máy bay, iPhone, iPad, ôtô, xe máy các loại… có mức tăng giá mạnh từ 15 – 30%. Giá một bộ trọn vẹn tiền, vàng, giấy sớ, quần áo, giày dép loại thường phổ biến 75.000 – 150.000 đồng, loại cao cấp 250.000 – 300.000 đồng. Các loại ôtô, xe máy phân khối lớn, biệt thự cao cấp đầy đủ tiện nghi có giá 200.000 – 500.000 đồng một chiếc; xe máy SH là 150.000 đồng.
Có các loại "hàng hiệu" dành cho quý cô như giầy dép, kính, mỹ phẩm,… toàn hiệu Louis Vuitton, Gucci,… Áo phông bó, quần bò ống côn, váy xẻ, áo 2 dây giá từ 40.000 – 60.000 đồng. Giày dép sandal cao cấp cùng phụ kiện đi kèm như : kính, mỹ phẩm, ví…có giá từ 45.000 – 65.000 đồng một bộ.
Giá các mặt hàng cao, nhưng chuyện mặc cả cũng không mấy khi thành công vì "mua cho ông bà nhà mình mà còn tiếc rẻ, mặc cả thì còn gì là tín tâm của con cháu nữa", một người bán hàng ở đây càu nhàu khi khách hàng ngỏ ý mặc cả.
Theo các chủ hàng ở đây, nếu khách không có thời gian thì có thể gọi điện hoặc đến đặt trước những món hàng mà mình cần là cửa hàng sẽ cho người mang đến tận nơi. "Em cứ về nhà bảo người nhà xem xét rồi chọn lựa các mặt hàng cần thiết, xong gọi báo chị, chị sẽ cho người mang đến", người chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã đon đả nói.
Dịp lễ Vu Lan năm nào cũng vậy, nhiều gia đình luôn quan niệm "trần sao âm vậy" nên không ngần ngại bỏ một khoản tiền không nhỏ sắm sửa vàng mã biếu tổ tiên. Những mặt hàng này cuối cùng cũng chỉ để đốt và không biết cõi âm, những người thân của họ có nhận được đồ dùng cho cả một năm hay không.
Tuyền Đặng