TP HCM có khoảng 8.000 đầu xe 4 bánh của các hãng taxi đang điều chỉnh giá. Theo quy định của ngành này, mỗi một lần điều chỉnh giá cả phải thông qua kiểm định. Trong khi mức giá cũ từ thời điểm xăng còn 19.000 đồng một lít chưa kịp xóa hết thì hai khung giá cước mới áp dụng lúc xăng giảm xuống 14.000 rồi 13.000 đồng một lít lại chờ kiểm định đồng hồ, tháo, gắn niêm phong mới.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Công ty Ngôi sao tương lai (Future Star), ông Võ Ba cho biết: "Hãng taxi của tôi đang phục vụ khách hàng với 3 mức cước cũ mới lẫn lộn. Với đà giá xăng cứ thay đổi liên tục thì khó mà hạ giá cước nhanh được do vướng kiểm định".
Theo ông Võ Ba, giá cước điều chỉnh gần đây nhất của hãng Future Star là 9.800 đồng một km, phí đường dài hạ xuống còn 6.400 đồng một km. Khung giá này chính thức được áp dụng khi xăng hạ xuống còn 13.000 đồng một lít. Tuy nhiên, hai giá cước cũ (11.000 đồng và 10.500 đồng một km) vẫn chạy song song với giá mới vì không thể lập trình và kiểm định toàn bộ 2.000 đầu xe của hãng cùng một lúc.
Các hãng taxi đều đổ lỗi kiểm định nên mới chậm giảm giá cước. Ảnh: Kiên Cường. |
Tương tự, Hãng taxi Mai Linh cũng thông báo giảm giá cước xuống còn 10.000 đồng một km, giá mở cửa còn 12.000 đồng và cước đường dài không đổi 7.000 đồng mỗi km. Mức phí này giảm thêm trung bình 500 đồng mỗi km từ khi xăng còn 13.000 đồng một lít. Tuy nhiên, khi nào chính thức áp dụng cước mới và hơn 2.000 đầu xe của doanh nghiệp này sẽ hoàn tất kiểm định trong bao lâu thì không có thông tin gì cụ thể.
Còn hãng Vinasun cũng "từ tốn" đuổi theo các doanh nghiệp cùng ngành, công bố giá cước mới nhất là 10.000 đồng mỗi km, tức giảm thêm 500 đồng mỗi km so với thời điểm giá xăng còn 14.000 đồng một lít. Giám đốc Công ty Vinasun, ông Tạ Long Hỷ cho hay nhanh nhất phải đến ngày 20/11 mới có thể áp dụng đồng loạt giá cước mới vì còn xếp hàng chờ kiểm định.
Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Đinh Quang Hiền phân tích, cước taxi giảm chậm chỉ một phần do thủ tục kiểm định, phần còn lại do doanh nghiệp phải tính toán giá cước sao cho vừa đủ sức cạnh tranh, lại vừa hợp lý trước khi áp dụng.
Ông Hiền hiến kế rằng, vì giá xăng dầu không ổn định, chỉ khi nào nhà nước cho phép các đơn vị tự đứng ra kiểm định và chịu trách nhiệm, sau đó thanh tra sẽ giám sát kiểm tra thì mới hy vọng cải thiện được tình trạng giảm cước ì ạch như hiện nay.
Trong khi đó, giới kinh doanh xe khách lại đủng đỉnh kéo dài thời gian đăng ký giảm giá vé dù không bị ràng buộc gì về việc kiểm định trong hơn 10 ngày qua.
Cụ thể, tại Bến xe Miền Đông, từ ngày 8/11 đến nay, số doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé chỉ tăng từ 13 lên thành 17 đơn vị, chưa tới 10% trên tổng số gần 260 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trong bến. Tỷ lệ giảm giá vé tại Bến xe Miền Đông trung bình từ 8-15% tùy tuyến. Riêng Bến xe Miền Tây chưa có thông báo gì về danh sách các đơn vị vận tải sẽ điều chỉnh giá cước.
Tuy không mặn mà với việc hạ giá cước vận tải theo đà giảm giá nhiên liệu nhưng Bến xe Miền Đông đã có kế hoạch xe tết Kỷ Sửu với dự kiến sẽ tăng giá vé từ 20-60% dù còn 2 tháng nữa mới tới Tết. Giám đốc Bến xe Miền Đông Nguyễn Ngọc Thừa giải thích, việc tăng hay giảm giá vé là do các doanh nghiệp vận tải tự cân đối thu chi chứ bến xe không can thiệp, càng không thể thúc ép được. Song, theo ông Thừa, giảm giá vé chỉ là chuyện sớm muộn vì nếu doanh nghiệp nào chần chừ thì sẽ bị mất khách theo quy luật cạnh tranh của thị trường.
Theo một chuyên gia kinh tế, từ lúc xăng dầu trong nước đồng loạt giảm giá hôm 8/11 và 15/11 đến nay đã trải qua chu kỳ 5-10 ngày nhưng cước vận tải vẫn chưa điều chỉnh xong mà cứ lừng khừng là tắc trách. "Cơ quanh chức năng cần nghiêm khắc nhắc nhở doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng giá cước mới vì càng chần chừ thì người tiêu dùng càng thiệt thòi", ông nói.
Vũ Lê