Tại TP HCM, Công ty Mai Linh taxi thông báo chậm nhất ngày 14/11 sẽ bắt đầu áp dụng giá cước mới. Cụ thể trung bình mỗi km sẽ giảm 500 đồng so với trước đây, giá mở cửa 1,1 km đầu tiên từ 15.000 đồng hạ xuống còn 12.000 đồng. Các quãng đường cự ly dài đang ở mức 8.000 đồng một km sắp tới sẽ còn 7.000 đồng.
Cũng cam kết giảm giá cước, hãng Future Star, Vinasun dự tính sắp xếp giảm 500 đồng mỗi km trước ngày 15/11. Giá cước 1,1 km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng và cước đường dài tính từ km thứ 31 trở đi giảm 1.000 đồng, còn 7.000 đồng mỗi km.
Tại Hà Nội, các hãng vận tải lớn như Taxi Hà Nội, Phù Đổng cũng trình kế hoạch sẽ giảm trung bình 500 đồng mỗi km, sớm nhất có thể ngay trong tuần này áp dụng mức cước mới.
Giải thích lý do không thể giảm cước taxi ngay sau khi xăng giảm giá, Phó tổng giám đốc Công ty Mai Linh, ông Trương Quang Mẫn, cho biết: "Vì phải trình kế hoạch điều chỉnh giá lên Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và đăng ký với các trung tâm kiểm định nên phải mất ít nhất 3 ngày mới xong thủ tục".
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Future Star Võ Ba cho hay, với tốc độ trung bình mỗi ngày chỉ kiểm định, tháo gỡ niêm chì và gắn niêm phong mới cho 200-300 xe thì ít nhất 1 tuần mới hoàn thành xong 2.300 đầu xe của hãng này.
Còn Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun (TP HCM) Tạ Long Hỷ phân tích, xăng là một yếu tố nhỏ trong toàn bộ giá thành dịch vụ này. Giá cước taxi không thể giảm nhiều hơn mà dừng lại ở ngưỡng trên vì các chi phí khác đang không ngừng đội lên.
Các hãng Taxi đang chuẩn bị áp dụng giá cước mới trong vài ngày nữa. Ảnh: Kiên Cường. |
Trao đổi với Vnexpress.net, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM Đinh Quang Hiền cho rằng, việc giảm giá cước không khó nhưng vì tình hình xăng dầu không ổn định nên các hãng taxi luôn bị động trong việc điều chỉnh. Với kiểu giảm nhiên liệu nhỏ giọt nhiều lần trong thời gian ngắn như vừa rồi, việc hạ cước ngây lập tức là điều không thể.
Theo ông Hiền, cơ chế đặc thù của taxi không giống như xe đò (chỉ cần thống nhất mức giảm với bến xe) mà phải thông qua kiểm định nên rất khó cho các doanh nghiệp. "Cả TP HCM có gần 8.000 đầu xe taxi song chỉ có 2 trung tâm kiểm định thì phải mất đến gần 2 đến 3 tháng sau mới kiểm định hết cho toàn bộ số xe này", ông Hiền khẳng định.
Không chỉ có các hãng taxi đang rục rịch giảm giá mà nhiều đơn vị kinh doanh xe khách cũng lập trình giá cước mới để giữ chân khách hàng.
Giám đốc Bến xe miền Đông Nguyễn Ngọc Thừa thông báo, tính đến nay, đã có 13 doanh nghiệp trong bến thông báo giảm cước với mức trung bình 8-10%. Tuyến Vũng Tàu - TP HCM giảm từ từ 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng một vé, tuyến Phan Thiết - TP HCM cũng hạ giá 5.000 đồng. Những chặng đường dài mức giảm cũng khá mạnh như TP HCM - Đà Nẵng giá vé còn 270.000 đồng (trước 300.000 đồng một vé), TP HCM - Nam Định từ 400.000 đồng xuống còn 350.000 đồng. Theo ông Thừa, giá vé tại Bến xe miền Đông sẽ tiếp tục giảm mạnh nữa trong những ngày tới.
Cùng ngày, Giám đốc Bến xe miền Tây Phạm Văn Thông cũng xác nhận, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hạ giá vé khi giá nhiên liệu xuống liên tục. Tuyến TP HCM - Cần Thơ, TP HCM - Cà Mau xuống 5.000 đồng một vé.
Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói với Vnexpress.net: "Trước khi có đợt giảm giá xăng lần này, Hiệp hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải cân nhắc giảm giá cước vận tải. Đơn vị nào trước đây chưa giảm thì phải điều chỉnh ngay sao cho tương xứng với giá bán lẻ xăng dầu".
Ông cho hay sau ngày 18/10, giá xăng được giảm thêm 500 đồng nữa, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã bắt đầu tính toán điều chỉnh giá cước. Tính đến đầu tháng 11, có gần 20 doanh nghiệp vận tải phía Nam điều chỉnh giá bán với mức giảm khoảng 5.000-20.000 đồng một vé cho các tuyến từ TP HCM đi Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng... Một số đơn vị thuộc khu vực phía Bắc cũng điều chỉnh giá cho các tuyến từ Hà Nội đi các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Nam Định...
"Tôi cho rằng khoảng 7-10 ngày để doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh, hoàn thành thủ tục công bố mức giảm giá cước và chính thức áp dụng", ông Hùng nói.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải đều rà soát lại chi phí và dự kiến sẽ điều chỉnh giá cước trong vài ngày tới để cạnh tranh với các đơn vị cùng ngành, nếu không sẽ nhanh chóng bị loại khỏi "sân chơi" này.
Theo giới kinh doanh nhiên liệu, giá dầu thế giới liên tục giảm là nguyên nhân khiến cho giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh theo. Tính từ tháng 10 đến nay, giá xăng đã 5 lần được điều chỉnh với tổng mức giảm 3.000 đồng. Các doanh nghiệp tính toán với mức giảm này thì cước vận tải đối với các phương tiện chạy bằng xăng có thể giảm 16%, và khoảng 9% đối với các phương tiện chạy bằng dầu.
Nhóm phóng viên