Sáng nay (22/3), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với sự tham gia của lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng như đại diện các tổ chức tín dụng trong bối cảnh tình hình kinh tế không cải thiện sau 3 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn cần được tháo gỡ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của quý I/2013 tăng thấp nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân là suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Thu nhập người dân tuy có cải thiện nhưng lại không theo kịp sự tăng của giá cả nên hầu hết người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Lãi suất đã giảm nhưng cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn rất hẹp. Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tín dụng thành phố vẫn tăng trưởng âm 0,5% sau 3 tháng dù tính riêng tháng 2, tổng dư nợ cho vay có tăng 5,4% khi đạt 649.661 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng. Một số ít than thở điều kiện vay vốn của các nhà băng khắt khe và chưa thực sự hỗ trợ người kinh doanh. Ngược lại, ngân hàng thì đưa ra lý lẽ không thể cho vay ồ ạt trong bối cảnh nợ xấu đang tăng cao như hiện nay nên khó thả lỏng hầu bao. Vì lẽ đó, hai bên vẫn chưa đến được với nhau, tảng băng tín dụng chưa tan bớt và doanh nghiệp dù ngày một yếu ớt hơn nhưng vẫn chưa được bơm "máu" để tiếp tục hoạt động.
Cách đây một tuần, việc Hà Nội tụt sâu tới 15 bậc trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng khiến lãnh đạo thủ đô không khỏi "rầu lòng". Đây là mức điểm thấp nhất của Thủ đô kể từ khi VCCI thực hiện khảo sát từ 2005 đến nay. Doanh nghiệp "chê" và chấm điểm thấp Hà Nội ở các hạng mục như pháp lý và tính năng động. Lĩnh vực tiếp cận đất đai, Hà Nội cũng bị chấm điểm thấp nhất cả nước.
Do vậy, cuộc đối thoại lần này vừa được xem như một Hội nghị Diên Hồng để các bên (doanh nghiệp - ngân hàng và lãnh đạo TP) cùng tháo gỡ các "nút thắt" vừa tìm cách lấy lại uy tín cho thủ đô dưới vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trong bối cảnh tín dụng nhiều tháng tăng trưởng âm và danh sách doanh nghiệp chết, ngừng hoạt động ngày một dài, từ đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tổ chức đối thoại tại nhiều tỉnh thành. Đây không phải cách làm mới. Giữa tháng 7/2012, các cuộc đối thoại tương tự cũng đã diễn ra, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước nắm rõ hơn mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, cùng với ám ảnh nợ xấu, tảng băng tín dụng chưa tan chảy nhiều như kỳ vọng và sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện đáng kể.
Thanh Thanh Lan