Ngoài lãnh đạo các ngân hàng cổ phần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến sẽ trực tiếp nghe những "thở than" của doanh nghiệp để tìm giải pháp về lãi suất, cơ cấu lại nợ xấu cũng như xử lý tài sản. Vấn đề trọng tâm sẽ bàn tại hội nghị là việc mặt bằng lãi suất cần điều chỉnh thêm như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng cho biết sẽ tìm mọi cách giải quyết các thủ tục để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho ngân hàng cũng như doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý nợ xấu bất động sản.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá. Ảnh: L.A |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các nhà băng đưa lãi suất những khoản vay cũ về dưới 15% một năm trên toàn hệ thống để "giải cứu" các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã có chỉ đạo của Thống đốc nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận với lãi suất dưới 15% một năm. Nhiều chủ doanh nghiệp phàn nàn, ngân hàng chỉ gật đầu giảm lãi suất với doanh nghiệp "khỏe" thay vì làm đồng loạt như chỉ thị.
Thay vì triển khai kế hoạch ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm, Thống đốc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội chuyển thành hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là buổi đối thoại giữa ngân hàng và 100 doanh nghiệp, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao thành phố, Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội. |
Về điểm này, tại cuộc đối thoại đang diễn ra,Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn và "ba mặt một lời" đối thoại với ngân hàng. Ông bộc bạch: "Ở đâu đó theo phản ánh của báo chí, có một số nơi chưa thực hiện. Nhưng tam sao thất bản. Tôi mong muốn ngay tại hội nghị này các doanh nghiệp còn vấn đề gì cần đề nghị, còn bức xúc với ngân hàng thì trao đổi thẳng thắn. Ngân hàng cũng vậy. Trên cơ sở đó, ủy ban nhân dân TP Hà Nội tìm giải pháp tháo gỡ".
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, doanh nghiệp nào có tiềm năng, nếu vượt qua thời gian hiện nay và có cơ hộ phát triển thời gian tới thì ngân hàng cần chia sẻ. Tuy nhiên, ông Bình thẳng thắn, hệ thống ngân hàng không thể bằng mọi giá cứu mọi doanh nghiệp được. "Với các doanh nghiệp, dù có qua khỏi giai đoạn này nhưng tương lai dự báo rất khó khăn và không có cơ hội phát triển dài hạn thì hệ thống ngân hàng cũng kiên quyết làm sao để có thể loại trừ doanh nghiệp đó. Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá và cứu mọi doanh nghiệp – tôi xin chia sẻ thẳng thắn và chân thành như vậy", Thống đốc nói tại cuộc đối thoại.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, đến nay, toàn bộ 12 ngân hàng cổ phần và 8 công ty tài chính có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh các ngân hàng quốc doanh, đã giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15% một năm. Bà Sương thông tin: "Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã giảm được 30-50% tổng số các hợp đồng vay lãi suất cũ trên 15%. Riêng Vietcombank và BIDV đã giảm 100%. Các ngân hàng khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%".
So với cuối năm 2011, tín dụng của Hà Nôi tăng 4,38%, riêng trong tháng 6 tăng 2,5% so với tháng 5. Tại hội nghị sơ kết toàn ngành 6 tháng đầu năm, bà Sương phải thừa nhận: "Chưa bao giờ trong 10 năm, tín dụng tăng thấp như nửa đầu năm nay, thậm chí mới tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây". Theo bà, việc gia tăng tín dụng ở mức cao trong nhiều năm qua là do doanh nghiệp đã vay vốn lớn không tương xứng với tình hình tài chính và khả năng hấp thụ của mình.
Song Linh - Thanh Lan