Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất (PMI ngành sản xuất) tại Việt Nam nằm dưới mức trung bình 50 điểm. Và đây cũng là tháng PMI giảm nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát được Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) bắt đầu tiến hành vào tháng 4 năm ngoái.
PMI ngành sản xuất Việt Nam từ tháng tư năm ngoái tới nay. Nguồn: Markit, HSBC |
Theo các chuyên gia HSBC, sự suy giảm tổng thể các điều kiện kinh doanh đã phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới, đặc biệt là đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 6, do nhu cầu ngày một yếu từ các thị trường thế giới. Những số liệu thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy sự suy giảm kinh tế toàn cầu khiến khách hàng phải cắt giảm chi tiêu.
Số lượng đơn đặt hàng mới ít hơn đã làm giảm yêu cầu sản xuất trong tháng 6, với sản lượng đầu ra giảm ba tháng liên tiếp và là tháng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2. Lượng hàng tồn kho sau sản xuất đã tăng mạnh trong tháng 6 chấm dứt khuynh hướng giảm của tháng 5.
Một số nhà sản xuất ghi nhận rằng doanh số thấp hơn dự kiến đã làm tăng lượng hàng tồn kho không mong muốn. Hoạt động mua hàng trong tháng 6 đã giảm mạnh và lượng hàng tồn kho trước sản xuất cũng giảm mạnh hơn so với tháng 5.
Nhu cầu yếu hơn và tình hình sản xuất thấp hơn đã làm lượng nhân công giảm trong tháng 6, kết thúc thời kỳ ba tháng liên tiếp công ăn việc làm được tạo thêm. Tuy nhiên, đa số các công ty cho rằng nguyên nhân lực lượng lao động thấp hơn là do nhiều vị trí tự nguyện thôi việc chưa được sắp xếp thay thế, chứ không phải do ép buộc nghỉ việc.
Tỷ lệ việc làm mới trong tháng 6 lại giảm sau khi đã tăng nhẹ trong tháng 5, theo khảo sát của HSBC. Ảnh: Hoàng Hà |
Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ tháng một, bình quân chi phí đầu vào của sản xuất đã giảm và với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái. Những người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là giá các sản phẩm liên quan đến xăng dầu giảm. Trong tháng 6 giá cả đầu ra của lĩnh vực sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước.
Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyễn, Nhà kinh tế Châu Á của HSBC nói: "Hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm cho thấy các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn ở Việt Nam".
Theo chuyên gia này, nhu cầu cả trong và ngoài nước đều thấp khiến giá cả hàng hóa giảm. Tuy nhiên, vị chuyên gia HSBC hy vọng quyế định hạ 400 điểm phần trăm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm có thể lan tỏa sang nửa cuối năm và làm thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
PMI sản xuất của hầu hết các nền kinh tế tháng 6 do HSBC công bố đều sa sút. Chỉ số PMI sản xuất tháng 6 của Trung Quốc tiếp đà giảm liên tiếp của 4 tháng qua, xuống còn 48,2 điểm. PMI Hàn Quốc rời mốc 51 điểm của tháng 5 xuống còn 49,4 điểm trong tháng 6. Đài Loan giảm từ 50,5 xuống 49,2 điểm. Riêng Hà Lan thăng 1,3 điểm lên 48,9 điểm và Indonesia tăng từ 48,1 lên 50,2 điểm.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam của HSBC (HSBC Vietnam Manufacturing PMI) được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất tham gia trả lời các bảng câu hỏi khảo sát.
PMI là chỉ số tổng hợp dựa vào năm chỉ số riêng biệt như đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua. Một chỉ số đạt 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.
Kỳ Duyên