Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam (PMI) trong tháng 5. Theo đà giảm sút từ tháng 4, chỉ số sản xuất tháng 5 của Việt Nam tiếp tục giảm 1,2 điểm xuống còn 48,3 điểm. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua.
Chỉ số tháng này thấp hơn một điểm so với mức chỉ số trung bình (49,3) được tính kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể suy giảm nhẹ.
Sản lượng trong tháng 5 sụt giảm mạnh so với tháng trước do kinh tế không thuận lợi cùng với số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Chi phí đầu vào tăng cao do giá của các mặt hàng liên quan đến xăng dầu tăng.
Bà Trinh Nguyễn, Nhà kinh tế châu Á của HSBC cho rằng, sự sụt giảm hoạt động sản xuất trong tháng 5 cho thấy nhu cầu nội địa đang trong tình trạng yếu kém. Tín dụng bị thắt chặt trong quý đầu phản ánh tình hình hoạt động sản xuất khó khăn. Các doanh nghiệp hoặc không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì lãi suất cao hoặc thiếu tài sản thế chấp để được cấp tín dụng.
"Với tỷ lệ lạm phát đã về một con số, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 1% lãi suất chính sách vào cuối tháng 5 để hỗ trợ các doanh nghiệp”, bà Trinh Nguyễn nói.
Trước đó, chỉ số PMI Việt Nam hồi tháng 4 còn 49,5 điểm. Trong khi đó, con số này vào tháng 3 là 50 điểm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam của HSBC được xây dựng trên dữ liệu thu thập hằng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất tham gia trả lời các bảng câu hỏi khảo sát. PMI là một chỉ số tổng hợp dựa vào năm chỉ số: Đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua. Một chỉ số đạt 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể, dưới 50 điểm là giảm tổng thể. |
Hoàng Lan