Là một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại dự thảo Luật giá, câu hỏi "ai đinh giá điện" thu hút được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu ngay từ đầu phiên làm việc. Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thẳng thắn đưa ý kiến: "Tôi đề nghị nếu ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền hoàn toàn về phát, truyền tải, phân phối và khai thác điện thì Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá".
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đề nghị Bộ Tài chính báo cáo quốc hội về hiệu quả của việc thực hiện quỹ bình ổn giá xăng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cũng tán thành quan điểm Nhà nước tiếp tục ấn định giá cho tới khi nào có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo ông, nếu thả giá theo thị trường ngay lúc này, sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của người tiêu dùng.
"Thời gian qua, chúng ta thấy ngành điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá và trao đổi đã có sự cân nhắc rất kỹ để Chính phủ từng bước nâng dần lên. Giả sử giá bán lẻ điện chúng ta không quy định nữa mà để cho ngành điện thì chắc chắn nó sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp", ông Mạo nói.
Theo Dự thảo Luật giá, Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tại Điều 19. Tuy nhiên, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) bày tỏ lo ngại về tính khả thi của quy định này. Giá bán lẻ bình quân đang được hiểu là bình quân giá bán lẻ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau trong một thời kỳ. Tuy nhiên, thoe ông Mạo, rất khó để cơ quan quản lý biết doanh nghiệp có bán đúng giá quy định hay không.
"Nếu quy định như hiện hành thì người dân hoặc các doanh nghiệp biết ngay ngành điện bán đúng giá quy định hay không. Ví dụ, căn cứ vào đồng hồ tiêu dùng, 100 số đầu là giá bao nhiêu, thêm 50 số tăng nữa thì giá ra sao..., có khung giá nhà nước quy định rồi thì họ sẽ biết ngay. Còn nếu quy định giá bán bình quân thì doanh nghiệp, người dân cũng không biết như thế nào để kiểm tra và không có cơ sở để tham gia quản lý", đại biểu Mạo lý giải.
Không chỉ việc giá điện do ai quyết mà vấn đề ai kiểm soát giá cũng được các đại biểu đề cập trong phiên họp lần này. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng cần có một cơ quan kiểm soát độc lập giá điện thay vì việc Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. "Tôi được biết chức năng kiểm soát về giá được giao cho Cục điều tiết điện lực nhưng đây vẫn là một cơ quan thuộc Bộ Công thương. Do đó, chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ", đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận xét.
Hầu hết các đai biểu quốc hội đồng tình không nên thả nổi giá điện do thị trường vẫn chưa cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài giá điện, giá xăng cũng được các đại biểu đặt nhiều quan tâm. Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị Dự án luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm thực hiện đúng về giá xăng dầu trong điều kiện kinh tế thị trường. Theo đại biểu, nên bỏ việc quy định về giá cơ sở như đã thực hiện nhằm đảm bảo ổn định giá cả chung. Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đề nghị Bộ Tài chính báo cáo quốc hội về hiệu quả của việc thực hiện quỹ bình ổn giá xăng.
Về danh mục các mặt hàng được bình ổn giá được đưa ra theo Dự thảo Luật Giá cũng nhận được nhiều ý kiến. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), chỉ nên tập trung thực hiện bình ổn các sản phẩm thiết yếu như như xăng dầu thành phẩm, điện, khí đốt sinh hoạt, phân đạm, vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh. Muối ăn và đường ăn chiếm tác động không nhiều khi mà xã hội cung cầu thay đổi, cho nên không đưa vào danh mục thực hiện bình ổn giá.
Nhiều đại biểu đề nghị đưa sữa ra khỏi danh mục bình ổn giá. Lý do theo đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) là sữa không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, trừ những sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý. Hơn nữa, theo đại biểu, sữa hiện có thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, nhà nhập khẩu.
Vấn đề nổi cộm được nhiều đại biểu nhắc đến nhất trong Dự thảo Luật giá là xem việc đăng ký giá như một biện pháp để bình ổn giá. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận xét: "Thực chất đăng ký giá là tên gọi khác của phê duyệt giá. Có thể nói đây là biện pháp quản lý hành chính còn mang nặng dáng dấp của cơ chế xin cho". Đồng quan điểm với Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề xuất thay thế thủ tục đăng ký giá bằng một thủ tục khác là thông báo giá để giảm thiểu thủ tục hành chính và rủi ro.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) còn cho rằng Luật Giá chưa làm rõ cơ quan Nhà nước có quyền gì khi đăng ký giá. "Nếu cơ quan thẩm quyền không đồng ý buộc phải thay đổi giá thì đăng ký giá đó về bản chất là Nhà nước quyết định giá. Nếu đăng ký mà cơ quan nhà nước không có ý kiến gì lại không khác gì kê khai giá. Như vậy giữa đăng ký giá và kê khai giá chưa làm rõ", đại biểu Lịch giải thích.
Ông Trần Du Lịch cũng là người xin phát biểu tới 2 lần trong phiên thảo luận. Cuối phiên họp, đại biểu đến từ TP HCM đặt ra vấn đề chúng ta không nên quá kỳ vọng vào vấn đề bình ổn giá. "Trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù nỗ lực cỡ nào cũng khó có thể bình ổn được. Bình ổn giá nói nôm na là cực chẳng đã, không phải thực hiện là tốt nhất, cũng giống như chúng ta có thẻ bảo hiểm y tế mà không xài thì cực kỳ tốt", đại biểu này ví von.
Thanh Thanh Lan