Còn các khâu phát điện, bán buôn, bán lẻ sẽ thực hiện theo lộ trình cạnh tranh, tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý bằng những hình thức thích hợp.
Chính phủ đề nghị thả nổi giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: Hoàng Hà |
Nhà nước quy định khung giá phát điện, bán buôn và doanh nghiệp cạnh tranh trong khung đó. Chính phủ cho rằng, điều này sẽ tránh hiện tượng doanh nghiệp liên kết, thỏa thuận mức giá quá cao, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Thực hiện Quyết định số 24 của Thủ tướng, giá điện bình quân đang được thực hiện theo cơ chế thị trường. Do các yếu tố đầu vào hình thành giá thường xuyên biến động theo thị trường, nên việc Thủ tướng phê duyệt mức giá bán lẻ điện cụ thể như quy định tại Luật Điện lực hiện hành không đảm bảo tính linh hoạt.
Chính phủ đề nghị giao Thủ tướng quy định khung giá của giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Điều này sẽ đảm bảo mức giá cụ thể của từng khách hàng và phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của từng nhóm người.
Trước đó đề nghị thả nổi giá bán lẻ điện cũng gây nhiều tranh cãi. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội giữa tháng 4, các đại biểu cũng đưa ra nhiều quan điểm trái chiều.
Lấy kinh nghiệm từ nhiều nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để bảo đảm điện thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước thì chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá điện bán lẻ bình quân. Còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh.
Còn liên Bộ Tài chính - Công Thương lại thống nhất, giá bán lẻ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ vào cơ chế quản lý và điều chỉnh do Thủ tướng quy định. Nhà nước quy định mức giá cụ thể như truyền tải, phân phối, bán buôn, giá dịch vụ cung cấp điện. Đối với phát điện, khung giá cũng do Nhà nước quy định để tránh hiện tượng đẩy giá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hoàng Lan