Từ sáng sớm 1/1/2012, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch đã ngừng bán hàng. Nhân viên cho biết, tạm ngừng bán vì hết xăng. Lúc hơn 9h sáng, có khá nhiều khách hàng tấp vào đổ xăng song phải quay ra đổ tại các cây xăng bán rong ngay trước cửa hàng. Có khoảng 5 cây xăng động đứng bán tại khu vực này, với giá phổ biến 22.000 đồng mỗi lít.
Cửa hàng treo bảng "Hết xăng, mong quý khách thông cảm" vào sáng 1/1/2012. Ảnh: Hà Đan. |
Khoảng 1-2 hôm nữa, sẽ có đơn vị khác tiếp quản cây xăng này và tiếp tục kinh doanh. Nguồn tin từ đơn vị sắp tiếp quản cây xăng nói trên hay, quy trình nhập hàng của đại lý cực kỳ nghiêm ngặt. Đại lý bán xăng cũng không sản xuất được mà phải nhập về từ đầu mối, do đó, không thể có chuyện đại lý pha thêm tạp chất, nước... vào xăng như dư luận xôn xao. Theo bà này, nếu có vấn đề về xăng dầu, đầu mối mới nên là cơ quan phải chịu trách nhiệm.
Bà này thông tin, theo quy trình, các đại lý sẽ đăng ký, treo biển kinh doanh xăng của đầu mối nào, thì sẽ nhập từ đó. Do đó, nếu cơ quan chức năng muốn kiểm tra, cần phải kiểm tra cả mẫu của cửa hàng và mẫu tại đầu mối cung cấp. Về quy trình bảo quản, tất cả các cửa hàng đều phải tuân thủ tuyệt đối.
Bà cũng đã kiểm tra bể chứa tại cửa hàng này, thấy không có bất thường. Ngoài ra, cây xăng này cũng có bình chuẩn 10 lít để kiểm tra hằng ngày khi bơm cho khách. Việc làm này nhằm đảm bảo cả khách mua và chủ kinh doanh cùng không bị thiệt thòi. Bà này cũng khẳng định, các đại lý không dại gì pha thêm tạp chất vào xăng để làm mất uy tín cửa hàng, dù mức lãi 600 đồng mỗi lít là thấp.
Nhân viên cửa hàng cho biết thêm, bất chấp kết luận xăng tại đây không đạt chuẩn, cây xăng vẫn có khách đến đổ bình thường. Thông thường, cứ khoảng 2 ngày, đơn vị này lại nhập thêm xăng, mỗi lần 15 - 23 mét khối.
Không đổ được xăng tại cây, nhiều người phải mua xăng bán rong với giá 22.000 đồng mỗi lít. Ảnh: Bách Hợp. |
Trước đó, trong văn bản có dấu hỏa tốc của Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa phát đi, ông Nguyễn Kim Quân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm cho biết, công ty là đại lý phân phối sản phẩm của Tổng công ty Xăng dầu quân đội. “Chúng tôi chỉ là đại lý bán hàng và nhập nguồn hàng của Tổng công ty xăng dầu quân đội, việc thành phần, tiêu chuẩn như thế nào, đạt hay không đạt thì chúng tôi không biết”, ông Quân nói.
Ông Quân cũng cho biết, công ty ký hợp đồng theo từng năm với Tổng công ty xăng dầu quân đội. Theo hợp đồng đã ký năm 2011, mỗi tháng, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch sẽ nhập khối lượng tối thiểu là 300 mét khối xăng RON92 và 90 mét khối dầu DO. Ông Nguyễn Xuân Cảnh, người phụ trách kinh doanh của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch cũng thông tin, đã có văn bản gửi đến Tổng công ty xăng dầu quân đội đề nghị làm rõ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu quân đội, cho hay, ông có biết thông tin mẫu xăng được lấy từ cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không phù hợp với quy chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, ông Dung cam đoan, xăng của Công ty xăng dầu quân đội đạt chuẩn, đảm bảo đúng chất lượng như quy định và đã qua kiểm định. “Xăng do tổng công ty nhập khẩu từ Singapore đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm tra và không pha chế thêm”, ông Dung nói.
Ông Dung cũng cho biết, nhập khẩu xăng dầu được theo một quy trình nghiêm ngặt, nên không thể có chuyện gian dối. Khi tàu nhập xăng dầu về gần tới Việt Nam, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải khai báo với hải quan. Ngoài việc có một đơn vị độc lập kiểm tra giám định chất lượng do bên mua và bên bán chỉ định, xăng nhập khẩu còn phải qua khâu kiểm tra gắt gao của trung tâm đo lường chất lượng I (thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng). “Xăng nhập khẩu sẽ được niêm phong đến khi cơ quan chức năng kiểm tra đủ chất lượng”, ông Dung nói.
Chỉ còn cột bán dầu diezel còn hoạt động. Ảnh: Hà Đan. |
Khi xăng đảm bảo đủ chất lượng, mới có thể cấp cho các đại lý. Các đại lý cũng phải đảm bảo bể chứa đúng quy trình để tránh ảnh hưởng đến chất lượng xăng, ông nói. Lãnh đạo xăng dầu quân đội khẳng định thêm, các doanh nghiệp lớn không mạo hiểm thương hiệu, danh dự chỉ vì chút lợi nhuận. Do đó, theo ông Dung, khi nhập khẩu về, các đại lý phân phối có thể bảo quản chưa tốt, dẫn đến chất lượng xăng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Dung, để đi đến kết luận này cần phải có điều tra rõ.
Hai kết quả khác nhau cho mẫu xăng lấy tại cây xăng Mai Dịch Trước đó, ngày 28/12, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, hàm lượng oxy thực tế chiếm 8,8% khối lượng (tiêu chuẩn là 2,7%), cao vượt mức quy định hơn 3 lần. Hàm lượng methanol trong xăng của cửa hàng trên là 15,3% thể tích, vượt 30,6 % hàm lượng tiêu chuẩn. Theo tiêu chuẩn quy định rõ tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezel và nhiên liệu sinh học thì tiêu chuẩn này là 0,5% thể tích. Hàm lượng nước 366 ppm (ppm đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích. Trước cuộc kiểm tra lấy mẫu xăng của Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, hôm 12/12, đội quản lý thị trường số 13, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch và kết luận đạt chất lượng. Nguyên nhân của cuộc kiểm tra này, là có khách hàng tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) khiếu nại, sau khi đổ xăng tại đây, xe vẫn nổ máy nhưng không đi được. Theo kết quả giám định công bố ngày 23/12 của trung tâm kỹ thuật 1 thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) về mẫu xăng do đội quản lý thị trường số 13 cung cấp, ngoài trị số ốc tan là 97.5 (tiêu chuẩn 92), các chỉ số khác như hàm lượng chì, lưu huỳnh đều ở ngưỡng cho phép. |
Bách Hợp - Hà Đan