Trả lời VnExpress.net, ông Vũ Văn Trung, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại thường xuyên với Nhật Bản đều ở Tokyo và lân cận, khu vực Osaka-Kobe. Trong đó, Tokyo và lân cận là nơi cũng chịu ảnh hưởng của trận động đất vừa qua và dư chấn đang xảy ra. Khu vực Osaka-Kobe do xa tâm chấn nên không chịu ảnh hưởng gì đáng kể.
Ông Trung cho biết, hiện vẫn chưa nhận được thông tin về thiệt hại của các đơn vị do sóng thần, động đất trực tiếp gây ra, mà chỉ là thiệt hại gián tiếp.
Xe tải làm gẫy cột điện khi bị sóng thần hất lên cao tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi. Ảnh: AP. |
Theo ông Trung, trước mắt, số tu nghiệp sinh (xuất khẩu lao động) sẽ không còn việc làm tại khu vực đông bắc bị sóng thần, động đất tàn phá, rồi tới đây xuất khẩu một số mặt hàng sẽ khó khăn, thậm chí đầu tư cũng bị ảnh hưởng. "Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tăng tu nghiệp sinh khi thị trường tăng vọt nhu cầu xây dựng, khôi phục kinh tế các vùng vừa bị tàn phá và tăng xuất khẩu khi thị trường tăng nhu cầu nhập khẩu một số hàng hóa thiết yếu", ông Trung chia sẻ.
Ông Nguyễn Tử Cương, Uỷ viên Ban chấp hành hội nghề Cá Việt Nam cho rằng, cùng với hai nền kinh tế EU và Mỹ, Nhật Bản là một trong 3 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trước thảm họa động đất sóng thần, tình hình xuất khẩu thủy sản nói riêng và quan hệ thương mại có thể bị ảnh hưởng song mức độ đến đâu thì chưa thể khẳng định. Ông Cương cũng cho hay, các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật mang lại hiệu quả cao là tôm cỡ lớn, mực, cá ngừ.
"Do các nhà nhập khẩu chủ yếu ở thành phố lớn như Tokyo nên khả năng chịu ảnh hưởng của thảm họa không nhiều.Từ thời điểm xảy ra thảm họa cho đến nay, vẫn chưa có lô hàng nào xuất sang Nhật bị trả về", ông Cương cho hay.
Bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng khẳng định, sau hàng loạt thảm họa xảy ra, sức mua của người dân Nhật đối với mặt hàng dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Vitas, trong số các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chịu thiệt hại lớn từ trận động đất vừa qua thì không có tên của các tập đoàn dệt may, đối tác lớn của ngành may mặc của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tổng số các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại thường xuyên (hàng hóa và dịch vụ), đầu tư với Nhật Bản khoảng 3.250 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có công ty con, công ty liên doanh hay có văn phòng đại diện tại Nhật Bản hiện chưa đến 80 doanh nghiệp (không kể các doanh nghiệp của Việt Kiều tại Nhật).
Hoàng Lan