Trao đổi với VnExpress.net, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho hay, hiện Vụ rất sốt ruột về tác động của hàng loạt thảm họa động đất, sóng thần đối với doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Ngay sau khi có thảm họa xảy ra tại Nhật Bản, Vụ Thị trường châu Á Thái Bình Dương đã liên hệ với Bộ ngoại giao ở Nhật Bản song theo ông Sơn, do có nhiều việc phải xử lý trước nên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Ông Sơn cho hay, mục tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chưa thể xác định được có điều chỉnh hay không. Ngay sau khi có thống kê về tác động, Vụ sẽ thông báo về điều này.
"Chúng tôi cũng đang rất sốt ruột nhưng buộc phải chờ đợi. Trong bối cảnh như hiện nay thì phía đại sứ quán có rất nhiều việc phải xử lý khẩn cấp. Phải biết thiệt hại của doanh nghiệp, Vụ mới có thể hỗ trợ được", ông Sơn nói.
Nhiều nhà máy, khu công nghiệp tại Nhật bị phá hủy nặng nề. Ảnh: AP. |
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng cho biết, hiện chưa có thông tin chính thức về mức ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. "Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi sẽ công bố", người phát ngôn cho hay.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, là kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay, trong đó, thị trường Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2009. Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật đạt 900 triệu USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2009.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2011 có thể đạt 5,3 tỷ đô la Mỹ trong đó, Nhật là một trong các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep cho hay, chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam có thể bị ảnh hưởng song mức độ tác động không nhiều, bởi thảm họa xảy ra tại khu vực phía đông bắc, ít dân. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thủy sản sang Nhật Bản chủ yếu ở vùng phía nam từ Tokyo trở xuống. "Thảm họa mới xảy ra chưa được một tuần. Đến thời điểm này, hiệp hội chưa nhận được bất kỳ doanh nghiệp nào hủy kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản", ông Dũng cho hay.
Nguồn tin từ Vietnam Airlines cho biết, ở góc độ hàng không, hiện chưa có cảnh người dân cấp tập di tán ra khỏi Nhật Bản. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm vận chuyển nhiều năm, ông này cho rằng nếu sắp tới tình hình tại Nhật Bản tiếp tục căng thẳng thì sẽ nhu cầu về nước của nhiều Việt kiều, du học sinh, doanh nghiệp sẽ tăng.
"Ngược lại, những người Nhật tại Việt Nam đang có nhu cầu về ngay nước. Hiện tại, các đường bay tới Nhật của chúng tôi vẫn còn nhiều chỗ và có thể sẵn sàng đáp ứng", nguồn tin này cho biết.
Hiện nay, Vietnam Airlines có 8 đường bay tới 4 thành phố lớn của Nhật Bản, gồm Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka với tần suất 46 chuyến một tuần. Do 4 điểm bay này cách khá xa khu vực xảy ra động đất và sóng thần nên toàn bộ người và tải sản của Vietnam Airlines nằm tại đây đều an toàn. Tuy nhiên, việc liên lạc bằng đường Internet đang gặp nhiều khó khăn và gián đoạn. Do vậy, các công việc trao đổi qua lại từ Việt Nam tới Nhật Bản và ngược lại, Vietnam Airlines đều thực hiện bằng điện thoại di động.
Hoàng Lan - Hồng Anh
Doanh nghiệp của bạn đang đầu tư và kinh doanh tại Nhật Bản, hãy chia sẻ thông tin và hình ảnh tại đây