Ngay trong phần đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị, ông Tanizaki Yasuaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh lo ngại về tình hình lạm phát cao của Việt Nam hiện nay.
Báo cáo do Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng nay cũng nhận định tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đột ngột dâng cao hơn dự kiến trong tháng 10 và 11. Cụ thể, đến cuối tháng 11, tỷ lệ lạm phát 11 tháng đứng ở mức 9,6%. Lạm phát giá lương thực hàng năm lên đến 14,8%, cao nhất kể từ tháng 4/2009. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát cho cả năm 2010 sẽ là 10,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 8% mà Quốc hội đề ra trước đó.
Không đưa ra con số cụ thể, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định tỷ lệ lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ ở mức 2 con số.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (giữa) cùng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (trái) và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong lễ khai mạc Hội nghị CG sáng nay. Ảnh: PV |
Giá cả hàng hoá và sản phẩm công nghiệp tăng là những động lực chính gây ra tình trạng lạm phát tăng cao thời gian gần đây. Ngoài ra, các cú sốc nguồn cung như lụt lội nghiêm trọng tại miền Trung cũng góp phần làm nóng bức tranh lạm phát.
Khác với hồi 2007, 2008, tình hình lạm phát gia tăng gần đây không đi đôi với sự tăng giá của mọi loại hình tài sản. Tính đến tháng 11, chỉ số VN Index đã giảm 8,8% kể từ đầu năm khiến chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường ảm đạm nhất khu vực. Giá bất động sản năm nay cũng tăng không đáng kể.
Nhìn nhận từ góc độ lịch sử, Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng. Ví dụ, lạm phát trung bình ở Việt Nam trong 10 năm vừa rồi là khoảng 8,8%, so với con số 2,7% của Thái Lan và 5,1% của Philippines.
"Ở một mức độ nào đó, điều này có thể cho thấy mục tiêu chính sách của Việt Nam có sự thiên vị cố hữu, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đến khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, Chính phủ lại phải viện đến các cơ chế hành chính như kiểm soát giá cả, lập quỹ bình ổn giá", Ngân hàng Thế giới nhận định.
Trước những thực tế này, Ngân hàng Thế giới khuyên Việt Nam cần có những chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt mục tiêu bình ổn giá, trong đó bao gồm việc sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ.
Đại sứ Nhật cũng cảnh báo tại Hội nghị rằng lạm phát cao và sự mất giá đồng tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô của Việt Nam. Ông kêu gọi Chính phủ cần có ngay các biện pháp mạnh mẽ để trấn an người dân cùng các nhà đầu tư, các đối tác phát triển, nhằm gia tăng niềm tin vào đồng tiền nội địa.
Ngoài câu chuyện lạm phát, các đối tác phát triển cũng bàn luận nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Về tổng sản phẩm nội địa, IMF đưa ra dự báo khá lạc quan, cho rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mức 6,5% mà họ từng dự báo.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan ngại về triển vọng kinh tế. Ví dụ, đại diện của Liên hợp quốc cảnh báo tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đi kèm với thâm hụt ngân sách ở mức cao, gánh nặng nợ nần đặt trên vai Nhà nước ngày càng lớn. "Tất cả những diễn biến này đang góp phần khiến viễn cảnh vĩ mô ngày càng đi xuống", Liên Hợp Quốc nhận xét.
Giá hàng hóa leo thang là nỗi lo của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh minh họa: Tuệ Minh |
Còn Ngân hàng Thế giới nhận định mặc dù vốn FDI tiếp tục đổ vào với số lượng lớn, vẫn còn nghi ngờ về lượng vốn cam kết mới trong tương lai. Tính đến cuối tháng 10/2010, các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư 13 tỷ USD, giảm sút so với con số 23 tỷ USD năm ngoái và 72 tỷ USD hồi 2008.
Bên cạnh đó, tiền đồng trong ba năm vừa qua liên tục chịu áp lực nặng nề, hiện đã mất giá một phần ba so với đồng đôla Mỹ. Trong một thời gian dài, thị trường tự do và tỷ giá chính thức chênh lệch nhau khá lớn, khiến cơ quan quản lý phản ứng bằng cách tăng tỷ giá hoặc điều chỉnh biên độ giao dịch. Tuy nhiên, WB cảnh báo về lâu dài, cách giải quyết này sẽ dẫn đến kỳ vọng tiền đồng càng mất giá và làm cho thị trường ngày một bất ổn định hơn.
Ngoài ra, tại Hội nghị năm nay bẫy thu nhập trung bình tiếp tục là vấn đề được nhiều đối tác phát triển cảnh báo, khi Việt Nam đã chính thức là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, với bình quân đầu người đạt 1.160 USD một năm.
Thanh Bình