Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh dẫn lại công thức tính GDP dựa trên tổng mức tiêu dùng cộng với đầu tư, xuất khẩu và trừ đi nhập khẩu. Theo công thức này, việc tính toán để cho ra con số GDP quý I ở mức 4,89% không thuyết phục. Dư nợ tín dụng 3 tháng tăng không đáng kể 0,03% nhưng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước lại tăng tới 11%. Sự bất hợp lý thể hiện ở chỗ tăng trưởng tín dụng gần như dậm chân tại chỗ mà dòng vốn chảy vào doanh nghiệp lại gấp nhiều lần.
“Doanh nghiệp lấy vốn ở đâu trong phần lớn doanh nghiệp đều lệ thuộc vào vốn ngân hàng”, ông Trinh băn khoăn.
Các chuyên gia cho rằng số liệu thống kê GDP không thuyết phục. Ảnh: AFP |
Một nghịch lý nữa là xuất khẩu được công bố tăng 19,7%, nếu loại trừ yếu tố giá sẽ tăng tới 25%, tức giá xuất khẩu đã giảm khoảng 5%. Nhưng thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ tăng 6,9%. Nếu số liệu đúng, điều này có nghĩa giá bán cho các nước giảm 5% còn mức giá bán cho tiêu dùng trong nước lại tăng cao. Đây là bất hợp lý thứ 2 trong thông số GDP. Chưa kể, giá so sánh với hiện nay lấy giá cơ sở của năm 2010 nên số liệu khó phản ánh chính xác thực trạng hiện tại.
Ông Trinh đặt câu hỏi: “Liệu có cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đến mức phải bán cho thế giới với giá rẻ, còn người dân lại chịu giá đắt”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thắc mắc, mọi năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, GDP mới tăng 6%, Nay tăng trưởng tín dụng quá bé nhỏ chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu và các chuyên gia cũng chẳng thể lý giải.
“Chẳng lẽ Việt Nam không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng”, ông Doanh hoài nghi.
Theo ông, chuyện số liệu thống kê không chính xác vốn tồn tại nhiều năm nay, nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nó sẽ ngăn cản nỗ lực phục hồi kinh tế. Không có số liệu chính xác, nhà điều hành không biết con bệnh đang ốm tới cấp độ nào, nên rất khó kê toa, tới khi chỗ nào cũng “đau” thì muốn cứu cũng quá muộn.
Số liệu thất nghiệp năm 2012 thấp nhất nhiều năm qua cũng khiến ông Doanh đặt dấu hỏi. Trong 2 năm 2011, 2012, cả nước có hơn 100.000 đơn vị đóng cửa, cao hơn hẳn các năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2%, ít nhất trong nhiều năm. Quý I có thêm 15.000 công ty phá sản. Thực tế, những lao động này họ đã đi đâu, trong khi số doanh nghiệp lập mới không bao nhiêu. Nguyên nhân có thể do nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể và báo cáo cơ quan chức năng. Một mặt họ đang nợ đầm đìa nên không dám tuyên bố đóng cửa để tránh chuyện bị xiết nợ. Mặt khác, họ cũng cần thu hồi nợ đọng nên “án binh bất động”, không sản xuất cũng chẳng tuyên bố chấm dứt. Thế nhưng, không có báo cáo này đề cập tới chuyện này. Số doanh nghiệp đóng cửa, giảm sản xuất có thể còn cao gấp nhiều lần công bố chính thức.
Ông Doanh cho rằng, số liệu công bố nếu không chính xác sẽ chẳng giúp ích cho ai, có chăng chỉ để các cấp, ngành khen lẫn nhau. Chính việc dựa trên những con số “ảo tưởng” nên các quyết định can thiệp thường đưa rất muộn, không phản ánh tính cấp bách của thực tiễn. Ông lấy ví dụ: tình hình bết bát của Vinashin vốn đã có từ lâu nhưng nhiều lần thanh tra, kiểm soát vẫn không phát hiện. Nhiều vị đặt mục tiêu đưa Tập đoàn này thoát khỏi thua lỗ kể từ 2013, nhưng đến nay ai cũng nhận thấy điều này hoàn toàn không thể.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có mặt ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân cũng khẳng định ông luôn hoài nghi về các con số, bởi nó đa phần là những báo cáo mang tính hình thức, kiểu làm cho có mà các cấp “nặn” cho đẹp. “Rõ ràng thông điệp tăng trưởng quý I tốt hơn cùng kỳ và lạm phát thấp nghe qua có vẻ khả quan, nhưng phân tích kỹ có quá nhiều điểm nghi hoặc trong đó”, ông nhận xét. Khi các chỉ báo không đúng, những phân tích, kiến nghị cũng chỉ “nghe cho vui” và vô hình chung chẳng tháo gỡ gì khó khăn cho doanh nghiệp mà chỉ khiến tình hình trầm trọng thêm.
“Doanh nghiệp không chỉ đối phó với chuyện chính sách vĩ mô không ổn định, thay đổi liên tục, mà còn thiếu niềm tin vào các số liệu công bố sẽ khiến tình trạng giảm sút niềm tin trong giới kinh doanh ngày càng trầm trọng”, ông nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, số liệu nhiều khi khác nhau “một trời một vực” đến mức gây sửng sốt và đáng kinh ngạc giữa các địa phương, bộ ngành, dẫn tới chuyện tốc độ tăng GDP của cả nước chỉ bằng hai phần ba mức tăng trưởng của các địa phương do tỉnh thống kê.
Số liệu về nợ xấu và tồn kho bất động sản cũng chẳng đáng tin cậy nên không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề hay xác định nền kinh tế cần bao nhiêu vốn và phải mất bao nhiêu thời gian để giải quyết triệt để. Trong trường hợp này, việc dựa vào những con số không chuẩn để xử lý vấn đề luôn luôn chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn cho quá trình phục hồi.
“Có sơ sở để khẳng định rằng chính nền kinh tế nước ta đang rơi đúng vào tình thế đó. Điều đáng tiếc là cho đến giờ này, khi tình hình đã thực sự là khẩn cấp, dường như vẫn chưa có một nỗ lực nào nghiêm túc, bài bản để giải quyết vấn đề này”, ông Thiên nhận định.
Với các con số việc làm mới được tạo ra, theo ông Thiên, bất kể năm khó khăn hay thuận lợi, đều đại thể như nhau, gần tương đương với số lao động mới gia nhập vào lực lượng lao động của đất nước. Cách xử lý vấn đề mang tính hình thức như vậy vừa không tạo được niềm tin vào hệ thống thông tin và thống kê phát triển, vừa gây ra những ảo tưởng thành tích lúc nào cũng “hồng hào” của nền kinh tế.
Mối tương quan giữa số liệu tăng trưởng tín dụng với tốc độ tăng GDP hiện tại cũng gây ra những điểm nghi vấn tương tự. Theo ông Thiên, trong một nền kinh tế mà tăng trưởng GDP phụ thuộc quyết định vào lượng vốn đầu tư, điểm lạ lùng của mấy năm gần đây là trong khi hầu như không có bất cứ sự cải thiện nào ở các chỉ tiêu hiệu quả. Việc sụt giảm rất mạnh mức tăng trưởng tín dụng hầu như không ảnh hưởng gì lắm đến tốc độ tăng trưởng GDP.
Bạch Hường