Phiên thảo luận chiều 5/4 của Diễn đàn kinh tế Mùa xuân trở nên sôi nổi khi nói đến Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Thậm chí, ông Cao Sĩ Kiêm - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia - không ngần ngại kiến nghị nên làm lại đề án tái cấu trúc. Theo ông, đề án chưa vạch ra được những giải pháp cụ thể nên khó cải thiện tình hình và vấn đề này cần được bàn bạc kỹ lại trong kỳ họp Quốc hội tới. "Toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như các tập đoàn nói tái cấu trúc nhưng vẫn chưa làm được gì. Càng làm càng rối, càng làm càng tắc", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn.
Chuyên gia Cao Sĩ Kiêm đề nghị viết lại đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà |
Tiến sĩ Võ Đại Lược - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - tuy không tán thành giải pháp "làm lại" những cũng nhận xét đề án này chưa đạt. "Theo tôi không cần viết nhiều, đã viết từ năm 2007 rồi. Cứ viết trên quan điểm cũ làm sao tái cơ cấu được. Quan trọng là cần tái cơ cấu cái đầu, phải làm ngay chuyện đổi mới tư duy, nhất là với lãnh đạo cấp cao", ông Lược đề xuất.
Không ít ý kiến tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân cho rằng quá trình tái cơ cấu chưa hợp lý từ cách thức tiến hành. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc đưa ra 3 đề án tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước trước khi có đề án tái cơ cấu tổng thể là cách thức tái cơ cấu ngược. Ông Cao Sĩ Kiêm cũng đặt vấn đề, thay vì mỗi bên làm một bản thì giờ phải phối hợp lại để chuyển những vấn đề "làm ngược thành xuôi".
Đánh giá cụ thể hơn, các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa làm quyết liệt 3 nút thắt quan trọng gồm nợ xấu, tồn kho và bất động sản. Theo Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm, việc tồn kho vừa giảm theo báo cáo "chẳng hay ho gì" vì thực chất doanh nghiệp không sản xuất nữa. "Nợ xấu cũng giải quyết chưa tới đâu, bất động sản mới đầu đưa giải pháp rất ồn ảo với bao nhiêu cuộc họp. Doanh nghiệp bất động sản hồ hởi vì nghĩ mình sẽ nhanh chóng được cứu nhưng tới giờ cũng chẳng tới đâu", ông Kiêm không ngại ngần "chê".
Bàn thêm về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng dù không phải giải pháp trong nội dung tái cơ cấu kinh tế nhưng nó liên quan đến thực thi các chính sách tái cơ cấu kinh tế. Ông Cung bình luận, nhóm giải pháp giãn hay hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp, tăng thêm cầu, mở rộng tín dụng cho người thu nhập thấp mua nhà ở... về bản chất nhằm giải quyết khó khăn phát sinh từ thực hiện Nghị quyết số 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011. "Như vậy mới chỉ xử lý vấn đề ngọn không phải vấn đề gốc và cách làm vẫn là 'Nhà nước dẫn dắt', 'quan chức Nhà nước dẫn dắt', vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế", Tiến sĩ Cung phân tích.
Theo Viện phó CIEM, các giải pháp này sẽ không thành công như mong đợi cả về ngắn hạn và dài hạn. "Ngược lại, có thể chỉ kéo dài thêm tình trạng trì trệ của doanh nghiệp, không chuyển tài sản chết thành vốn sống và có thể làm chậm lại quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng", ông Cung cho hay.
Giám đốc WB Việt Nam - Victoria Kwakwa cho rằng cách tiếp cận "rùa" có thể khiến chi phí tái cơ cấu tăng cao. Ảnh: Thanh Bình |
Đại diện cho các nhà tài trợ quốc tế, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura cũng có những góp ý quan trọng về tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, một bộ phận quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước nhưng ông Kimura thẳng thắn đánh giá quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn khi không có chiến lược tổng thể cũng như trọng tâm. Một trong những điểm yếu là thiếu khung pháp lý mang tính toàn diện. "Có quá nhiều chính sách, quy định, nghị định về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước nhưng chưa có văn bản luật định bao quát các bộ ngành để hướng dẫn cụ thể, chủ yếu vẫn là các Bộ tự đưa ra một cách đơn lẻ", đại diện ADB nói.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cũng chia sẻ quan điểm với ông Kimura. Theo bà, thời điểm này cần hành động cụ thể và không nên nói nhiều nữa để tạo dựng niềm tin. "Việt Nam đã tiếp cận một cách từ từ, chậm rãi để có những thay đổi, nhưng với cách tiếp cận 'rùa' như vậy thì chi phí sẽ như thế nào", bà Kwakwa lo ngại. Theo bà, 2013 là năm bản lề với Việt Nam và Việt Nam không nên kỳ vọng quá nhiều vào chính sách tiền tệ mà hiệu quả của hoạt động kinh tế mới thực sự quan trọng.
Bạch Hường - Thanh Lan