Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sáng 21/10, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các đại biểu nghiêm túc chỉ rõ những yếu kém và hạn chế, nhất là tình hình thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng đối với các bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông; xử lý các “điểm đen” về tai nạn; việc quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ôtô...
"Kiên quyết tránh tình trạng báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới", ông nói.
Đề cập đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, Phó thủ tướng cho rằng, một số cán bộ, lãnh đạo địa phương còn thờ ơ, buông lỏng quản lý và đặc biệt còn có tình trạng bảo kê, bao che cho các vi phạm.
"Để chấn chỉnh việc này, trong thời gian tới cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
6.100 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch UBATGT Quốc gia cho biết, trong 9 tháng qua, tai nạn giao thông đã giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ tai nạn, số người bị thương và người chết.
Tuy nhiên, trên toàn quốc vẫn xảy ra trên 14.300 vụ tai nạn, làm chết 6.113 người, bị thương 11.700 người; so với cùng kỳ 2016 giảm 284 người chết.
Theo ông Hùng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là do tài xế lấn chiếm, vi phạm phần đường, làn đường (chiếm 25%); tiếp theo là các lỗi vi phạm tốc độ, chuyển hướng không chú ý…
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong 9 tháng đầu năm tại Hà Nội và TP HCM đã xảy ra 54 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc ùn tắc giao thông ở Thủ đô là do mật độ dân cư quá đông. "Hiện tại Hà Nội có trên 10 triệu dân sinh sống kể cả người nước ngoài, trong khi đó tốc độ tăng dân số chóng mặt, mỗi một năm lên 20 vạn người, tương đương với dân số của một quận, đây chính là gánh nặng và áp lực lớn khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp", ông Sửu nhấn mạnh.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục các giải pháp phân luồng, phát triển hạ tầng giao thông và đặc biệt sẽ hiện đại hoá, quản lý giao thông thông minh; áp dụng đỗ xe chẵn lẻ và mở rộng quản lý đỗ xe qua điện thoại cho 4 quận nội thành.