Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông chiều 4/7, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao Hà Nội và TP HCM đã có nhiều nỗ lực phát triển hạ tầng và giao thông công cộng, đặc biệt là việc Hà Nội đã đưa ra đề án quản lý phương tiện cá nhân.
"Hà Nội có xe buýt nhanh, thí điểm xe buýt 2 tầng, và xác định lộ trình giảm dần phương tiện xe máy là những sáng kiến rất tốt. Nếu chúng ta tổ chức giao thông công cộng tốt, người dân sẽ ít sử dụng xe máy, đó là nhu cầu thực tế", Phó thủ tướng nói.
Theo ông, có thông tin là tắc đường ở Hà Nội gây thiệt hại tới 12.800 tỷ đồng mỗi năm, gây lãng phí lớn cho xã hội và gây căng thẳng lên người đi đường do phải chịu đựng khói bui, ô nhiễm mỗi ngày
"Chúng ta phải có giải pháp", Phó thủ tướng nói và yêu cầu Hà Nội, TP HCM xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cá nhân. Trong đề án này cần chú trọng các giải pháp theo nguyên tắc kinh tế thị trường, xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo.
"Các thành phố phải tổ chức phương tiện công cộng thật tốt gắn với giữ gìn trật tự lòng đường. Chính quyền không được coi việc dẹp lòng đường, vỉa hè là phong trào mà cần tính toán kỹ lưỡng, chú ý sinh kế của bà con", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo với lãnh đạo Chính phủ là HĐND TP đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Ông Hùng nói, trong năm 2017 Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt việc chống lấn chiếm lòng đường vỉa hè, quyết tâm giảm 3 tiêu chí an toàn giao thông, cùng với mở rộng hạ tầng giao thông như khởi công thêm các dự án trên vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị.
Theo nghị quyết vừa được HĐND thông qua, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Thành phố sẽ tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh. |
Đoàn Loan