Sáng 28/3, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa. Công trình cao 4 tầng, tổng diện tích sàn hơn 1.800 m2, nằm trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), hướng mặt ra biển Đông.
Từ xa, nhà trưng bày Hoàng Sa nổi bật với hình lá cờ đỏ sao vàng phủ kín bề mặt 3 tầng nổi. Ngôi nhà thiết kế theo kiến trúc "Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam", phỏng theo con triện của vua Minh Mạng.
"Chúng tôi bảo vệ Hoàng Sa cho Tổ quốc"
Nhiều nhân chứng là những người trực tiếp tham gia trận hải chiến ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa chống lại quân Trung Quốc xâm lược có mặt từ rất sớm. Họ hòa vào dòng người gồm lãnh đạo thành phố, hải quân, kiểm ngư, học sinh, sinh viên,... tham quan những tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành, vị trí địa lý, chủ quyền Hoàng Sa trên các văn bản, bản đồ lưu hành hợp pháp trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Sơn, người từng giữ chức đảo phó Hoàng Sa năm 1973, dừng lại khá lâu ở khu trưng bày kỷ vật của những người lính Việt Nam Cộng hòa. Đôi vai của người đàn ông với mái tóc bạc trắng rung lên khi nhìn thấy tấm di ảnh người đồng đội.
"Tôi khóc vì hồn cốt những đồng đội đã mãi nằm lại Hoàng Sa. Họ hy sinh khi bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc", ông Sơn nói, đôi mắt nháng nước. "Quá khứ rồi sẽ phôi phai, nhưng ký ức về trận hải chiến với quân xâm lược chúng tôi không bao giờ quên. Với tôi, đồng đội ngã xuống là những người anh hùng, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết giữ mảnh đất của cha ông".
Trong câu chuyện của mình, cựu thuyền trưởng tàu chiến của Việt Nam Cộng hòa Lê Đình Rê tham gia trận đánh ngày 19/1/1974 hơn một lần nhắc lại "chúng tôi đi bảo vệ Hoàng Sa cho Tổ quốc".
Đặt chân lên quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974, ông Rê nhớ trên đảo có một tấm bia do người Pháp xây dựng trước đó rất lâu, ghi rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Giữa tháng 1 năm đó, nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực biển Hoàng Sa và bị lính của Việt Nam Cộng hòa theo dõi.
"Khác với trận phục kích và tấn công bất ngờ hải quân Việt Nam của phía Trung Quốc tại Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) năm 1988, trận chiến chống Trung Quốc ở Hoàng Sa đã được chúng tôi chuẩn bị từ trước", ông Rê kể và cho biết hải chiến kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ và cả hai bên đều có tổn thất. Phía Trung Quốc với tàu chiến có hỏa lực mạnh đã bắt giữ nhiều người làm tù binh.
"Khi thấy nhiều đồng đội bị bắt, phía Trung Quốc lại đưa ra yêu cầu binh sĩ Việt Nam phải rút quân nếu không sẽ xử tử, chúng tôi rời đảo để tránh xảy ra cảnh đổ máu", ông Rê nói. Ông cho biết sau đó tiếp tục nhận lệnh ra đánh chiếm lại Hoàng Sa, nhưng trên đường đi kế hoạch bị hủy bỏ.
Đứng trước 31 chân dung nhân chứng Hoàng Sa được trưng bày trên nền phông đỏ, ông Rê nói đây là một sự ghi nhận và giúp xóa đi ngăn cách giữa hai bên chiến tuyến. Mất Hoàng Sa là nỗi đau chung của dân tộc. "Chúng tôi không dám nói đến công lao, vì những gì mình đóng góp như hạt cát giữa sa mạc đối với đất nước", ông Rê nói.
Thắp ngọn lửa yêu nước
Nhà trưng bày Hoàng Sa gắn với tâm huyết của ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đầu tiên của Đà Nẵng. Khi còn đương nhiệm, ông Ngữ đưa ra ý tưởng phải có một khu trưng bày những tư liệu, hiện vật để góp phần tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Hai năm qua, ông Ngữ dõi theo từng viên gạch của công trình này. "Khánh thành được Nhà trưng bày Hoàng Sa, tôi như nhẹ gánh trong lòng vì tâm huyết của mình đã được thực hiện tương đối trọn vẹn", ông Ngữ tâm sự. 1.835 ngày giữ chức Chủ tịch huyện đảo, ông vẫn canh cánh nỗi niềm Hoàng Sa "chưa về với đất mẹ".
Sau nhiều lần họp bàn phương án, ông Ngữ đề xuất Nhà trưng bày Hoàng Sa khi hoàn thành sẽ dành một góc trưng bày hình ảnh, chuyện kể của những nhân chứng. "Lịch sử thì cần ghi lại chân thực nhất. Đó là quá khứ mà mình không thể chối bỏ được. Khi mọi người đã hiểu câu chuyện về Hoàng Sa rồi, thì quần đảo thiêng liêng sẽ gần hơn với đất liền", ông Ngữ nói.
Theo ông Ngữ, nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là một đầu mối để cung cấp, thu nhận thông tin và tuyên truyền cho du khách biết Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với Hoàng Sa. "Nhà trưng bày mang hình cờ đỏ sao vàng như ngọn hải đăng trông ra Thái Bình Dương, ra biển Đông để góp phần thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nước", ông Ngữ chia sẻ.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng nhà trưng bày Hoàng Sa có thể xây dựng ở bất kỳ địa phương nào nhưng không đâu phù hợp hơn Đà Nẵng, bởi lịch sử đã giao cho thành phố thay mặt cả nước tiếp tục quản lý về mặt hành chính với quần đảo này.
"Khánh thành nhà trưng bày Hoàng Sa, thực ra chúng ta mới đi được một nửa đoạn đường. Nửa chặng đường còn lại là làm sao nhà trưng bày này hoạt động hiệu quả cao nhất, phát huy cao nhất công suất phục vụ và xem đây là khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao cũng như học thuật để đòi lại Hoàng Sa", ông Thơ nói.