Kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012, Triều Tiên đã có những thay đổi đáng kể. Ngoài chương trình hạt nhân, tên lửa được thúc đẩy nhanh chóng với vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 mới nhất, người dân nước này còn chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong chương trình truyền hình quốc gia, theo CNBC.
Truyền hình Triều Tiên dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il thường chiếu những bộ phim tài liệu dài lê thê. Tuy nhiên, khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, truyền hình nhà nước đã tăng cường sản xuất các nội dung phong phú hơn để trở thành công cụ tuyên truyền chủ đạo của ông Kim, theo Jean H. Lee, chuyên gia tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, Lee cho biết chính quyền Bình Nhưỡng ngày càng chú trọng vào việc sản xuất những bộ phim truyền hình nói về giới trẻ và công nghệ để lôi kéo thế hệ người Triều Tiên tiếp theo. Điều này hoàn toàn trái ngược với trước đây, khi các bộ phim tài liệu dài chủ yếu mô tả về cuộc sống quân ngũ và lòng trung thành của binh lính để gây tác động tới người dân.
"Mỗi lần thay đổi lãnh đạo lại có một sự thay đổi chính sách và truyền hình, phim ảnh được huy động như một phần của chiến dịch truyền thông nhằm góp phần phổ biến các ưu tiên của nhà lãnh đạo mới cho người dân", Lee cho biết.
Cố chủ tịch Kim Jong-il là người rất mê phim điện ảnh và từng cho bắt cóc đạo diễn, diễn viên Hàn Quốc tới Triều Tiên vào năm 1978 để sản xuất phim. Ông cũng cho đầu tư hàng triệu USD vào ngành điện ảnh quốc gia và khởi xướng Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng vào năm 1987.
Nhưng khi con trai Kim Jong-un của ông lên nắm quyền, ảnh hưởng của điện ảnh ngày càng đi xuống và dần bị thay thế bởi phim truyền hình.
Dưới sự chỉ đạo của ông Kim, ngành công nghiệp giải trí của Triều Tiên đã lột xác từ một phương tiện truyền bá tư tưởng đơn thuần trở thành một công cụ để định hình xã hội, Lee mô tả. Chẳng hạn như những chương trình truyền hình gần đây của Triều Tiên tập trung ca ngợi về gia đình, cộng đồng và việc sử dụng công nghệ phục vụ cho mục đích yêu nước, những đề tài vốn chưa được khai phá trong các bộ phim điện ảnh cũ.
"Hàng xóm chúng tôi", bộ phim truyền hình dài tập của Triều Tiên ra mắt vào năm 2013, khắc họa mọi khía cạnh bình thường của cuộc sống gia đình, khác xa với những bộ phim thời ông Kim Jong-il vốn luôn đặt quốc gia lên trên gia đình.
Bộ phim truyền hình gồm hai phần này cũng đề cập đến những vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong các cảnh quay. Trong một tập phim, các nhân vật reo hò, nhảy múa khi người dẫn chương trình nổi tiếng Ri Chun-hui thông báo về một vụ phóng tên lửa tầm xa thành công.
Bộ phim truyền hình khác mang tên "Giá trị khác" cũng khắc họa đậm nét mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình. Theo Lee, cách khai thác đề tài quan hệ gia đình này "dường như là sự ám chỉ tới vấn đề đào tẩu". Việc đưa tình thân, mối ràng buộc giữa bố mẹ, anh em lên sóng truyền hình được cho là một chiến lược ngăn chặn nạn đào tẩu vốn đang gia tăng ở Triều Tiên trong những năm gần đây, Lee nhận định.
"Giá trị khác" kể về một sĩ quan hải quân, nhưng thay vì tập trung vào binh nghiệp của anh, bộ phim lại nói về cuộc đời của người lính này sau khi tốt nghiệp học viện hải quân. Lee chỉ ra rằng nhân vật chính trong phim chủ yếu xuất hiện trong quần áo thường phục chứ không phải quân phục, phần nào phản ánh một ưu tiên chính sách chủ chốt của ông Kim: các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước, trong đó có các mặt hàng thời trang.
Trong khi đó, bộ phim truyền hình "Những nhà nghiên cứu trẻ" dài 50 phút lại là một thông điệp về việc sử dụng khoa học công nghệ cho mục đích yêu nước.
Bộ phim xoay quanh những học sinh trung học sử dụng máy tính và các thiết bị mà phần đông người Triều Tiên chưa từng thấy để tham gia một cuộc thi. Phần thưởng của cuộc thi là một bệ phóng tên lửa, là "sự ám chỉ trực tiếp giữa thí nghiệm khoa học của giới trẻ với công nghệ hạt nhân tương lai", theo Lee.
Trong bộ phim, ngay cả khi một học sinh trêu chọc bạn cùng lớp, cậu ta cũng sử dụng một chiếc máy bay điều khiển từ xa. "Thông điệp ở đây là: Nếu bạn là học sinh cá biệt, ít nhất cũng phải rèn luyện những kỹ năng công nghệ có thể sử dụng cho mục đích quân sự trong tương lai", chuyên gia này nói.
Trí Dũng